Tại hội thảo “Gặp gỡ DN Việt Nam - Mexico: Cơ hội đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Mexico”, được tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội, bà Sara Valdes Bolano - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mexico tại Việt Nam, cho biết: Lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mexico đã tăng trưởng 30% kể từ năm 2014 và đạt 3,840 tỷ USD vào năm 2015.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Mexico các mặt hàng giày dép, dệt may, máy tính, thiết bị phụ tùng, thủy hải sản, ôtô, cà phê, máy móc… Còn Mexico XK sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp điện tử, sắt thép, thép thải, thức ăn cho gia súc…
Đẩy mạnh xuất khẩu
Những năm qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trưởng ổn định: năm 2014 là 5,98%, năm 2015 là 5,12% và dự tính đến cuối năm 2016 là 5,66%. Tính hết 6 tháng đầu năm 2016, ngành công nghiệp Việt Nam tăng trưởng 7,42%, ngành dịch vụ tăng trưởng 6,12%, trong đó, ngành nông nghiệp lại giảm 0,12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang vững vàng chuyển đổi từ một đất nước nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp dịch vụ. Việt Nam hiện không phụ thuộc vào các mặt hàng nông nghiệp, mà đẩy mạnh các mặt hàng công nghiệp và đẩy mạnh XK để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Mexico được đánh giá là nước XK hàng đầu thế giới và khu vực Mỹ Latinh. 75% sản phẩm Mỹ Latinh NK (chủ yếu là mặt hàng công nghệ cao) thì có tới 73% là do Mexico sản xuất. Hiện, Mexico đã thay đổi từ nước chủ yếu XK các nguyên liệu thô sang XK các mặt hàng công nghệ cao và bước vào cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới.
Bà Sara Valdes Bolano cho biết: “Việt Nam và Mexico là hai nước đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và đều hướng tới XK để phát triển kinh tế. Cả hai nước đều có vị trí chiến lược quan trọng bên hai bờ Thái Bình Dương. Chính vì vậy, khi đẩy mạnh XNK cũng là điều kiện và tiềm năng để Việt Nam và Mexico tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.
![]() |
Mexico được đánh giá là nước XK hàng đầu thế giới và khu vực Mỹ Latinh
Việt Nam được đánh giá là nước có lực lượng lao động trẻ và đang được đào tạo về mọi mặt. “Khi so sánh giá thành lao động, Việt Nam không phải là nước có giá nhân công rẻ nhất. Tuy nhiên, khi xem xét giá nhân công trong trình độ tay nghề, thì Việt Nam là điểm đến đầu tư được Mexico rất quan tâm”, ông Nguyễn Vũ Kiên - Trưởng phòng kinh tế hợp tác - Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét.
Bên cạnh đó, nền kinh tế hai nước có thể bổ sung cho nhau, tận dụng lợi thế của hai đầu địa lý để thúc đẩy XK. Trong cơ cấu XNK, Việt Nam và Mexico không có mặt hàng nào cạnh tranh trực tiếp. Nhưng trong lĩnh vực dệt may, Mexico có thể tận dụng những vùng sản xuất của Việt Nam để cung cấp cho thị trường châu Á. Và ngược lại, các DN Việt Nam có thể sử dụng Mexico như vùng sản xuất để cung cấp hàng hóa cho Mỹ và Canada. Như vậy, cả DN của Việt Nam và Mexico đều giảm được tối đa chi phí vận chuyển.
Tận dụng hiệp định TPP
Hiện nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định để thúc đẩy đầu tư. Nếu năm 2015, Việt Nam có gần 9.500 DN thành lập mới, thì 6 tháng đầu năm 2016, số DN được thành lập mới ở Việt Nam là 54.500 DN, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy XK sang các nước TPP, trong đó có Mexico, khi các nước này miễn giảm thuế cho một số mặt hàng của Việt Nam. Tham gia Hiệp định TPP chính là hướng tới thị trường Mỹ và Nhật Bản, đó cũng là mục tiêu quan trọng đối với DN hai nước.
Khi đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại với Mexico, Việt Nam có thể tận dụng hai hiệp định mà Mexico ký kết với các nước khu vực Bắc Mỹ và Thái Bình Dương là Hiệp định Tự do Bắc Mỹ và Hiệp định Tự do Liên hiệp châu Âu để mở rộng thị trường với các nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada…).
“Mexico luôn sẵn lòng cung cấp thông tin về những nước này, vì đây là những nước phát triển về công nghiệp ôtô, sản xuất phụ tùng ôtô, XK về nông nghiệp. Chúng tôi cũng có thể thiết lập các mối quan hệ mới để Việt Nam và Mexico có thể tiếp cận tốt thị trường Bắc Mỹ”, ông Julio Rodriguez Trigueros - Chủ tịch Đối ngoại Hội đồng phòng Thương mại và các Hiệp hội DN Bang Mexico (CONCAEM), cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam và Mexico đang gặp khó khăn khi hai thị trường có quá ít thông tin về nhau. Ông Julio Rodriguez Trigueros cho rằng Mexico rất ấn tượng với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước đang là thách thức lớn, trong khi cả hai nước đều là những thị trường có tiềm năng lớn để đầu tư.
“Hiệp định TPP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các DNNVV, nhưng nó sẽ không có hiệu quả nếu như chúng ta có quá ít thông tin về nhau. Để những tiềm năng này được khai thác hiệu quả, chúng ta phải tăng cường kết nối và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt là các DNNVV”, ông Julio Rodriguez Trigueros nhấn mạnh.
Như Yến