Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý II Việt Nam nhập khẩu 202.270 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 393,85 triệu USD, tăng 22,5% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam gồm: Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 35.700 tấn, trị giá 121,39 triệu USD, tăng 24,7% về lượng và tăng 39,1% về trị giá so với quý II/2023.
Riêng thịt lợn, trong quý vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 27.040 tấn thịt lợn, trị giá 60,69 triệu USD, tăng 99,6% về lượng và tăng 99,5% về trị giá so với quý I. Theo đó, Brazil, Nga, Canada, Đức và Mỹ là 5 thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam trong quý II. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 10.500 tấn, trị giá 23,33 triệu USD, tăng 72,7% về lượng và tăng 60,9% về trị giá so với cùng kỳ 2023.
Trong quý II, Việt Nam nhập 27.040 tấn thịt lợn. |
Ở chiều ngược lại, trong quý II, Việt Nam xuất khẩu được 6.190 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,95 triệu USD, tăng 36,3% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ 2023.
Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đạt 2.570 tấn, trị giá 14,65 triệu USD, chiếm 41,59% về lượng và chiếm 56,46% về trị giá. Các mặt hàng xuất khẩu chính chủ yếu là hàng đông lạnh như thịt lợn sữa, thịt lợn, chân gà, thịt ếch…
Giá nhập khẩu trung bình thịt lợn về Việt Nam ở mức 2.244 USD/tấn (khoảng hơn 55.000 đồng/kg). Trong khi đó, giá thịt lợn hơi xuất chuồng nội địa (62.000-66.000 đồng/kg). Sự chênh lệch giữa giá thịt trong nước và nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến các cơ sở chăn nuôi trong nước.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá: "Nhập khẩu thịt lợn có xu hướng tăng trong tháng 5 và tháng 6, nhưng lượng nhập khẩu quý II chỉ bằng khoảng 2,2% so với tổng sản lượng thịt lợn của cả nước".
Một chuyên gia nhận xét nhìn về số liệu thì đúng là lượng lợn nhập khẩu chiếm dưới 3% sản xuất trong nước thì không thể ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu chỉ mới thống kê hàng nhập khẩu chính ngạch. Bởi theo phản ánh của người chăn nuôi có cả lợn nhập lậu từ Lào, Campuchia, Thái Lan.. nhập lậu vào Việt Nam. Ngoài ra, khi lợn nuôi trong nước đã đủ cung cấp cho thị trường mà hàng nhập khẩu vẫn đổ về, dù tỷ trọng ít cũng khiến mặt bằng giá xuống thấp.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước đáp ứng được 95% sức tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nguồn cung lợn ra thị trường đang tăng cao, nếu nhu cầu tiêu dùng thịt không tăng tương ứng, giá có thể quay đầu giảm trở lại.
Trước đó, 4 hiệp hội trong ngành chăn nuôi đưa ra những cảnh báo về việc nhập khẩu thịt giá siêu rẻ và hàng nhập lậu vẫn tràn về thị trường Việt. Các hiệp hội cho rằng, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta là vấn đề hệ trọng, gây lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm.
Cùng với đó, gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Bởi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay phần lớn là thứ phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm. Chưa kể, đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 giá trong nước cùng loại. Việc này cũng gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, các hiệp hội trong ngành chăn nuôi nhận định, chỉ 3-5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Thanh Hoa