Các chuyên gia nhận định, thị trường trái phiếu đang rất "nóng", bất chấp dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, theo dữ liệu từ công bố thông tin khi phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, trong 8 tháng đầu năm có một số có doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh lỗ vẫn phát hành trái phiếu với tỷ lệ thành công cao, một số phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Cụ thể, trong 8 tháng qua, 5/177 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh năm liền kề trước năm phát hành lỗ; nhưng trái phiếu của các doanh nghiệp này đều có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán.
Các chuyên gia chỉ ra 4 nhóm rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. |
Khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành. Trong đó, có đến 90% trái phiếu không có tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành.
Từ những con số này, các chuyên gia đánh giá, nhiều nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến chỉ số xếp hạng tín dụng của các doanh nghiệp cũng như hiệu quả hoạt động của đơn vị phát hành trái phiếu. Lãi suất mới là mấu chốt quyết định việc đầu tư của khách hàng.
Thực tế, một số nhà đầu tư cá nhân đã có sự dịch chuyển từ tiền gửi sang thị trường trái phiếu doanh nghiệp vì bị hấp dẫn bởi lãi suất cao. Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi trung bình của ngân hàng từ 6% - 7%/năm, trong khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có lúc lên đến 14%/năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cơ hội và rủi ro là hai yếu tố luôn song hành. Theo đó, dù nhà điều hành có hạn chế đối tượng tham gia thị trường, tức hạn chế nhu cầu nhưng với bối cảnh rủi ro gia tăng vì dịch bệnh thì lãi suất trái phiếu cao vẫn được nhà đầu tư đón nhận.
"Trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ lãi suất, trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp buộc lòng phải rời bỏ thị trường. Nếu từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, con số này có thể lên tới 100 nghìn doanh nghiệp. Và không ai dám chắc rằng, trong số đó không có những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu. Nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu đã dần hiện rõ, đặc biệt ở nhóm bất động sản", ông Hiếu nhìn nhận.
Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã nhiều lần khuyến nghị đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, nếu huy động vốn trái phiếu bằng mọi giá, trường hợp gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn sẽ dẫn đến không trả được nợ cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cảnh báo: "Nhà đầu tư cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành".
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối diện với khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà đầu tư không nên mạo hiểm “mua” rủi ro về mình. Theo ông Hiếu, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng trong bối cảnh nền kinh tế bấp bênh vì dịch bệnh.
Thanh Hoa