Theo thống kê sơ bộ, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Thái Lan năm 2014 đạt 10,6 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2015, con số này là gần 4,4 tỷ USD.
Thâm hụt nghiêng về Việt Nam
Trong ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cũng như hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thái Lan trong khuôn khổ ASEAN và là đối tác đứng thứ 9 của Thái Lan trong khuôn khổ quốc tế. Điều này cho thấy, Việt Nam và Thái Lan thực sự là đối tác chiến lược của nhau trong quan hệ kinh tế, thương mại cả ở tầm khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, cán cân thương mại giữa hai nước đang xảy ra tình trạng mất cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2012 tới nay, mức thâm hụt của Việt Nam trong quan hệ thương mại hai nước luôn ở mức hơn 3 tỷ USD. Trong khi hàng hóa Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam, sản phẩm Việt Nam có mặt tại thị trường Thái Lan lại rất ít ỏi.
Theo khảo sát tại các siêu thị lớn của Thái Lan, hàng Việt bán ở đây mới chỉ có cà phê G7 của Trung Nguyên và một số ít loại bánh, kẹo. Có nhiều hàng điện tử, may mặc, dù sản xuất ở Việt Nam nhưng đều mang thương hiệu của nước khác.
Bà Unchalee Asavametha, Tham tán thương mại Vương Quốc Thái Lan tại Việt Nam, cũng cho rằng trong kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước hiện nay cho thấy xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Thái Lan ở mức thấp hơn so với nhập khẩu (NK).
Người Thái Lan chưa biết nhiều về các thương hiệu cũng như chất lượng của hàng Việt Nam
Vì vậy, để tạo sự cân bằng giữa giá trị X-NK trong cơ cấu của cán cân thương mại giữa hai nước, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến XK, tăng cường giao thương giữa hai nước. Điều này không chỉ đòi hỏi nỗ lực của giới kinh doanh mà còn của Chính phủ và sự hợp tác chặt chẽ từ phía Thái Lan.
Lý giải về khó khăn của hàng Việt trên thị trường Thái Lan, ông Nguyễn Thành Hải - đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, cho rằng các mặt hàng của Thái Lan và Việt Nam khá tương đồng. So với hàng hóa Việt Nam, từ lâu hàng Thái Lan đã tạo dựng được thương hiệu có uy tín về chất lượng. Bởi vậy, khi hàng hóa Thái Lan xâm nhập thị trường Việt Nam được hoan nghênh. Trong khi đó, người Thái Lan chưa biết nhiều về các thương hiệu cũng như chất lượng của hàng Việt Nam.
Vì thế, ông Hải cho rằng hàng Việt Nam trước hết phải tìm cách đi vào các thị trường ngách, sau đó dần tìm cách mở rộng ra các thị trường khác.
Đồng thời, ông Hải cũng đưa ra gợi ý dành cho các DN Việt xâm nhập thị trường Thái Lan thông qua các thị trường ngách. Ông dẫn chứng, Đông Bắc Thái Lan là một trong những thị trường ngách như vậy. Thời gian tới, vai trò của khu vực này sẽ còn gia tăng đáng kể, khi hoàn tất dự án Hành lang kinh tế Đông - Tây, kéo dài từ cảng Molamiin của Myanmar tới Tp.Đà Nẵng của Việt Nam. Khi đó, hàng hóa từ Việt Nam, trung chuyển qua Lào, sẽ nhanh chóng và dễ dàng có mặt tại Đông Bắc Thái Lan với chi phí vận chuyển thấp.
Bên cạnh đó, sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cuối năm 2015, nhiều nhà máy và trung tâm phân phối cũng sẽ được xây dựng tại đây.
Hàng Việt có vào được Thái Lan?
Theo đánh giá của Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan ở Đông Bắc Thái Lan ở mức vừa phải. Họ không đòi hỏi các hàng hóa quá cao cấp, đắt tiền. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam vừa có chất lượng tốt, mà mức giá lại rất phù hợp mức thu nhập của người dân ở đây.
Về vấn đề đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường Thái Lan, bà Unchalee Asavametha cũng cho rằng các DN Việt Nam muốn XK sang thị trường Thái Lan đạt hiệu quả cao, trước hết hàng hóa phải hấp dẫn về giá cả, có thể cạnh tranh được với giá các sản phẩm tương tự của Thái Lan, cũng như của những nước khác xuất sang Thái Lan. Thứ hai là bảo đảm chất lượng. Đây là hai vấn đề phải nhanh chóng giải quyết đầu tiên, rồi mới đến các hoạt động xúc tiến thương mại khác.
Đồng thời, bà Unchalee Asavametha cho biết: "Qua kênh tham tán thương mại, chúng tôi còn có kế hoạch liên kết với một số siêu thị ở Việt Nam cũng như Thái Lan tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để người tiêu dùng hai nước biết đến nhiều sản phẩm hàng hóa. Đối với các DN Việt Nam khi muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Lan, chúng tôi sẽ hỗ trợ về chi phí đi lại, ăn ở, thậm chí là gian hàng để thu hút các DN Việt sang Thái".
Cùng chung vấn đề quảng bá hàng Việt với người Thái, ông Hải nêu ý kiến, DN Việt Nam cần xây dựng các kênh thông tin, quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng Thái Lan. Ông đánh giá, nhiều mặt hàng của Việt Nam có chất lượng mẫu mã hơn hẳn hàng Thái mà giá cả lại thấp hơn đáng kể. Có điều, hiện chưa có kênh phù hợp để giới thiệu những mặt hàng này tới người Thái.
Thy Lê