- Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD năm 2021
- Năm 2020: Hàng Việt đối mặt 39 vụ kiện, tăng 2,5 lần so với 2019
- Rủi ro nguyên liệu 'đe dọa' tương lai ngành gỗ
Đó là bất cập mà Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra khi đánh giá việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của doanh nghiệp (DN) trong nước để bảo vệ thị trường nội địa thời gian qua.
Gia cầm nội lao đao vì hàng nhập giá rẻ
Thống kê từ Cục PVTM cho thấy, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại đã và đang phải đối mặt với tổng cộng 201 vụ việc PVTM. Trong năm 2020, số lượng các vụ việc khởi xướng điều tra PVTM có xu hướng tăng so với năm 2019. Tính cả năm, Việt Nam đã ghi nhận 39 vụ việc khởi xướng điều tra mới (trong khi năm 2019 mới có 16 vụ việc điều tra).
![]() |
Gà ngoại bán rẻ, gà nội vẫn chưa thể đâm đơn kiện (Ảnh Int). |
Ở chiều ngược lại, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã khởi xướng điều tra tổng cộng 21 vụ việc PVTM (gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp, biện pháp tự vệ và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM). Cụ thể là 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ.
Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM, các biện pháp PVTM đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm gần 6% GDP của Việt Nam (tính theo GDP năm 2019) và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động cũng như các ngành công nghiệp thượng nguồn của các hàng hóa được bảo vệ.
Việc áp dụng biện pháp PVTM, trong nhiều trường hợp, cũng làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM do Việt Nam đã bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Một số biện pháp PVTM đang điều tra với đường mía, đường lỏng nhập khẩu cũng sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho ngành mía đường và người nông dân trồng mía (ngành tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân).
Qua theo dõi tác động của các biện pháp PVTM, Bộ Công Thương nhận thấy việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Ví dụ, mặt hàng tôn mạ trước đây mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể. Nhờ công cụ PVTM, một số DN đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số ngành, ví dụ như ngành gia cầm dù đang phải chịu thiệt hại, thua lỗ vì giá thịt gà nhập khẩu rẻ bèo, song không thể khởi kiện.
Khảo sát thị trường những ngày gần đây cho thấy, gà nhập nguyên con trọng lượng 1,4 - 1,6 kg giá 30.000 - 50.000 đồng/kg, mua nguyên thùng đùi gà công nghiệp Mỹ với giá 31.000 đồng/kg... khiến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước lao đao.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết, chưa bao giờ ngành chăn nuôi gia cầm lại gặp khó khăn và nhiều biến động như hiện nay. Năm 2020, dù giá thịt lợn tăng cao, có thời điểm lên đến 100 nghìn đồng/kg, nhưng giá thịt gà và một số thịt gia cầm khác lại rất thấp.
Cần sự chủ động của DN
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, ngành chăn nuôi gia cầm được đánh giá là bị tác động lớn nhất. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam chưa có các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất gia cầm trong nước, trong khi nhiều nước đang áp dụng cách này.
Ngoài ra, các DN lớn cũng chưa mặn mà vấn đề kiện bán phá giá, việc giám sát các lô hàng thịt gà đông lạnh hết hạn, chưa đảm bảo chất lượng cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Trước thực trạng này, ông Sơn cho rằng các bộ, ngành, DN cần đồng lòng, mạnh dạn đứng ra thu thập tài liệu, nếu có hiện tượng bán phá giá, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt...
Câu hỏi đặt ra là: Có phải Việt Nam chậm áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ thị trường trong nước? Bà Phạm Châu Giang nhìn nhận, không thể nói là Việt Nam chậm trễ trong việc sử dụng biện pháp PVTM, mà thực tế là do Việt Nam mới thực sự hội nhập, và chỉ sau khi hội nhập sâu rộng thì mới dẫn tới việc nhập khẩu hàng hóa gia tăng và gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước. Trên thực tế chỉ hơn một năm sau khi chính thức gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành điều tra vụ việc tự vệ và chỉ 3 năm sau đó đã điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, theo bà Giang, để có thể áp dụng được biện pháp PVTM, trên thực tế đòi hỏi phải đáp ứng những điều kiện và quy định rất chặt chẽ được WTO cũng như pháp luật PVTM của Việt Nam đặt ra. Một trong những điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất đó là việc các DN trong nước cần tập hợp lực lượng để đáp ứng yêu cầu được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản xuất trong nước). Đây thường là một trở ngại khá lớn với các DN của Việt Nam khi đa phần các DN có quy mô nhỏ và vừa.
Trên thực tế, có một số vụ việc mặc dù đã có những dấu hiệu khá rõ ràng về hành vi bán phá giá cũng như những thiệt hại của ngành sản xuất trong nước do tác động của hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, tuy nhiên các DN sản xuất trong nước lại chưa thể cùng phối hợp xây dựng hồ sơ yêu cầu điều tra theo quy định, và do đó vụ việc chưa thể được tiến hành xem xét, điều tra theo quy định pháp luật.
Vì vậy, lãnh đạo Cục PVTM khuyến nghị, yếu tố quan trọng nhất là DN cần chủ động nâng cao hiểu biết về các biện pháp PVTM, vai trò và tác động của các biện pháp PVTM và những căn cứ cơ bản để có thể sử dụng được biện pháp này. DN nên xác định các biện pháp PVTM sẽ đóng vai trò như một chính sách, chiến lược quan trọng trong tổng thể chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.
"Sử dụng hiệu quả biện pháp PVTM sẽ giúp DN cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước, tích cực và chủ động ứng phó hiệu quả với biện pháp PVTM của nước ngoài sẽ giúp DN có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu", bà Giang khẳng định.
Thy Lê