Mua bảo hiểm là để đề phòng rủi ro, nhưng sau một số vụ việc xảy ra trong thời gian qua giữa khách hàng và công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential, có thể thấy rủi ro nhất lại xuất phát từ chính công ty bảo hiểm. Những điều khoản hợp đồng không rõ ràng, khi phát sinh tranh chấp, phần thiệt luôn về phía người mua.
“Vạch lá tìm sâu”
Trong thời gian dài hoạt động tại thị trường Việt Nam, Prudential đã nhiều lần dính vào những tranh chấp hợp đồng với phía khách hàng.
Ngày 1/6/2017, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt nhiều đoạn clip tố cáo công ty Bảo hiểm Prudential cố tình chèn ép khách hàng.
Cụ thể, chị Tạ Như Hoa (sinh năm 1973) trú tại quận Đống Đa, Tp. Hà Nội, mua ba gói bảo hiểm Prudential từ năm 2010, mỗi năm chị Hoa phải đóng 21 triệu đồng. Trong ba năm (2010, 2011, 2012), chị Hoa đóng trực tiếp cho ông Đoàn Văn Hạnh, nhưng đến cuối năm 2013, ông Hạnh không đến thu tiền.
Tháng 12/2014, chị cùng ông Hạnh đến trụ sở của Prudential và được nhân viên tên Hà thông báo cả ba hợp đồng bảo hiểm của chị đã bị hủy do quá 24 tháng không có trách nhiệm đối với hợp đồng.
Chị Hoa yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhưng được công ty này thông báo, chị không được nhận tiền gốc mà chỉ thu lại vài trăm nghìn đồng. Sự việc kéo dài đến ngày 5/6/2017, công ty Prudential mới đồng ý khôi phục hợp đồng cho chị Hoa.
Còn trường hợp ông Phan Văn Chí (Chợ Gạo – Tiền Giang) mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Prudential cho bản thân và cháu với trị giá mỗi hợp đồng phải đóng 1.029.800 đồng/quý. Sau ba năm, từ 2010 đến 2013, ông Chí muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và rút lại tiền, công ty này đã phớt lờ và từ chối trả tiền.
Ông Vũ Quang Uông (Hải Dương) mua bốn hợp đồng bảo hiểm của Prudential, sau khi bị tai nạn, ông yêu cầu công ty bảo hiểm trả tiền theo thỏa thuận đã ký. Prudential không chấp nhận vì cho đây là “màn kịch” của ông Uông từ việc mua bảo hiểm tới việc tai nạn… Không thỏa thuận được, ông Uông buộc phải khởi kiện Prudential ra tòa. Prudential thua kiện và phải thanh toán theo đúng thỏa thuận hợp đồng.
Ngoài những trường hợp khách hàng bị Prudential “vạch lá tìm sâu” để từ chối thanh toán bảo hiểm, khách hàng của công ty này còn gặp rủi ro khi bị đại lý của công ty lừa và đương nhiên, Prudential đã “phủi tay” rũ bỏ trách nhiệm, để lại thiệt hại nặng nề cho khách hàng.
![]() |
Prudential liên tục vướng kiện tụng với khách hàng
Đầy rẫy sai phạm
Mới đây, Thanh tra Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố kết luận thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo hiểm chín tháng năm 2016. Theo kết luận công ty Bảo hiểm Prudential đã có nhiều sai phạm như: công tác chăm sóc, chi trả quyền lợi bảo hiểm; công tác quản lý đại lý; vi phạm về bảo hiểm sức khỏe; cấp chứng chỉ và quản lý đại lý; đồng thời vi phạm cả trong hoạt động tư vấn cho khách hàng không đúng quy tắc…
Bình luận về thông tin trên, một số luật sư cho rằng các công ty bảo hiểm về bản chất cũng là doanh nghiệp kinh doanh. Mối quan tâm hàng đầu của họ là lợi nhuận. Vì vậy, các công ty này cũng sẵn sàng tìm mọi cách để mang lại lợi nhuận cao nhất cho mình, thậm chí một số công ty phớt lờ tuân thủ pháp luật, hoặc “vạch lá tìm sâu”, từ chối chi trả cho khách hàng khi có yêu cầu chính đáng của khách hàng.
Trong khi đó, đa số người mua bảo hiểm thường không đọc kỹ điều khoản quy định trong hợp đồng, hoặc hiểu rất mông lung và chỉ biết khi có sự cố, họ sẽ được bồi thường một cách chung chung.
Từ những vụ việc liên quan đến công ty Bảo hiểm Prudential, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), khuyến cáo, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng, khách hàng nên đọc kỹ các điều khoản.
Có một số loại bảo hiểm chi trả cho các bệnh hiểm nghèo, nhưng không phải tất cả bệnh hiểm nghèo đều nằm trong phạm vi bảo hiểm. Hay đối với mỗi loại bệnh, tỷ lệ bồi thường cũng khác nhau, có bệnh 100%, có bệnh chỉ 80%… Do đó, người mua bảo hiểm cần phải tự bảo vệ mình.
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho rằng bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm không nên vì cái lợi trước mắt mà đánh mất lòng tin của khách hàng. Thị trường bảo hiểm cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chỉ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo đảm được quyền lợi khách hàng, mới tồn tại và phát triển bền vững.
“Sự minh bạch, công bằng, hợp đồng không tiểu tiết, lắt léo, đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu chính là “nam châm” giữ “chân” khách hàng”, ông Lộc nói.
Thanh Hoa