Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 1/2022 đạt 40,18 nghìn tấn, trị giá 238,48 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2021, giảm 11,3% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với tháng 1/2021.
![]() |
Trung Quốc thường tăng nhập khẩu hạt điều vào thời điểm cuối năm. |
Tháng 1/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều ở mức 5.934 USD/tấn, giảm 3,6% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 0,5% so với tháng 1/2021.
So với tháng 12/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang nhiều thị trường chính giảm, ngoại trừ Trung Quốc (tăng 1,8%), Anh (tăng 0,6%), Canada (tăng 26,7%). So với tháng 1/2021, giá xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Trung Quốc (giảm 10,3%), Úc (giảm 4,6%); Canada (giảm 22,3%), Ấn Độ (giảm 41,4%).
Tháng 1/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường chính giảm so với tháng 12/2021, trong khi xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng như: Đức, Úc, Nga, Ấn Độ. So với tháng 1/2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường chính giảm, ngoại trừ Hoa Kỳ, Đức, Úc, Anh, Ấn Độ.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt điều của thị trường này năm 2021 đạt 203,55 triệu USD, tăng 22,1% so với năm 2020.
Năm 2021, Trung Quốc tăng nhập khẩu hạt điều từ tất cả các nguồn cung chính. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt 180,16 triệu USD, tăng 21,9% so với năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ từ 88,61% năm 2020 xuống 88,51% năm 2021.
Năm 2021, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà, tốc độ tăng 414,3% so với năm 2020, đạt 4,81 triệu USD. Thị phần hạt điều của Bờ Biển Ngà trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 0,56% năm 2020 lên 2,36% năm 2021. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ các thị trường như Myanmar.
Năm 2022, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, ngành điều cũng đối mặt với những thách thức về nguồn nguyên liệu. Theo Bộ NN&PTNT, tổng diện tích điều niên vụ 2019 - 2020 của cả nước đạt 302.500ha, tăng 5.300ha; năng suất bình quân 12,1 tạ/ha; sản lượng khoảng 339.800 tấn.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này không đủ để phục vụ chế biến, xuất khẩu nên hàng năm các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn điều thô làm nguyên liệu chế biến. Nếu như nhiều năm trước, nguồn nguyên liệu điều chủ yếu nhập khẩu từ châu Phi thì nay dịch chuyển nhập về từ Campuchia.
Nhật Linh