Thông tin về thị trường nông sản tháng 3/2020, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến ngày 15/3/2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 606,2 triệu USD, tăng 26,2% về lượng và 34,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Dự báo giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng (Ảnh: Internet) |
Ước tính xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020, khối lượng gạo đạt 1,67 triệu tấn (tăng 19,9%) và giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,9% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là Trung Quốc (gấp 8,2 lần), Đài Loan (gấp 3,6 lần) và Mozambique (2,6 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 66,9%).
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đạt 463,5 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Chủng loại gạo được xuất khẩu nhiều nhất là gạo trắng (43,1%) và gạo jasmine, gạo thơm (33,8%).
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan kéo dài đà tăng trong tháng 3/2020 lên mức cao nhất trong vòng 6 năm; giá gạo Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong gần 16 tháng qua.
Trong đó, gạo tiêu chuẩn 5% Thái Lan được chào bán ở mức 480 - 505 USD/tấn, tăng so với 460 - 467 USD/tấn đầu tháng. Giá gạo 5% tấm Việt Nam tăng lên 410 USD/tấn, tăng so với 400 USD/tấn đầu tháng. Gạo đồ 5% tấm Ấn Độ ở mức 363 - 367 USD/tấn, giảm so với 367 - 371 USD/tấn đầu tháng do tỷ giá đồng Rupee đi xuống và nguồn cung dư dả do giảm giao thương với Iran.
Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung có xu hướng tăng trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 3, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm nhẹ khi bị tác động bởi thông tin việc tạm dừng thông quan xuất khẩu gạo.
Dự báo về hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do hoạt động xuất khẩu tại Ấn Độ sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn do quốc gia này cũng lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid – 19 tới an ninh lương thực. Chính phủ Ấn Độ cho biết hiện nước này vẫn có đủ lương thực để tiêu thụ nội địa trong vòng 18 tháng. Năm 2019, Ấn Độ dự trữ khoảng 29,5 triệu tấn gạo, dự kiến có thể tăng lên 18,6% đạt 35 triệu tấn trong năm 2020.
Tương tự, Thái Lan cũng đang tăng cường tích trữ nên nguồn cung dành cho xuất khẩu không nhiều và đẩy giá gạo Thái Lan xuất khẩu tăng liên tục trong tháng.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,6% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 đạt 493,1 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.
Nhận định về thị trường trong ngắn hạn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho thấy giá gạo tăng do tâm lý lo sợ dịch bệnh trên toàn cầu leo thang, thúc đẩy người tiêu dùng các nước tiếp tục tích trữ lương thực. Hạn mặn và nguồn nước tưới tiêu là những yếu tố chi phối thị trường khác, bên cạnh nguyên nhân bệnh dịch.
Lê Thúy