Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11 năm nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 2,3 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn các loại, thu về hơn 1,04 tỷ USD.
Dù xuất khẩu giảm 12,9% về lượng và giá trị giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, song sắn và sản phẩm sắn là nhóm mặt hàng thứ 9 của ngành nông nghiệp có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD.
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 449,3 USD/tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 449,3 USD/tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 91,4% thị phần, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc tăng mua tinh bột sắn từ Việt Nam. |
Đáng chú ý, nhu cầu sắn lát của của thị trường Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm và đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Trong khi nhu cầu tinh bột sắn của thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng lên.
Dẫu vậy, Hiệp hội sắn Việt Nam cảnh báo ngành cần cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt khi Trung Quốc đánh giá tinh bột sắn Thái Lan ổn định hơn về cả số lượng lẫn chất lượng.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng cho biết hiện vào mùa thu hoạch nên sản lượng sắn về các nhà máy nhiều hơn. Một số nhà máy tại miền Trung, Tây Nguyên hạ giá mua loại củ nguyên liệu này.
Từ đầu tháng 11 đến nay, giá thu mua sắn củ nguyên liệu tại một số tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên dao động ở mức 1.900-2.300 đồng/kg, giảm 100-300 đồng/kg so với cuối tháng 10. Giá thu mua sắn tươi tại khu vực miền Bắc dao động quanh mức 2.000-2.050 đồng/kg.
Hiện, một số nhà máy phải điều chỉnh giảm lượng sản xuất do nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc chậm lại.
Tại Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn, trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%. Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 - 50%. Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70 - 80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Về sản xuất, đến năm 2030, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 480 - 510 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 11,5 - 12,5 triệu tấn, định hướng phân bổ tại 5 vùng trọng điểm gồm: Trung du miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ.
Thanh Hoa