Điều đó cũng được lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cảnh báo mới đây, khi nhóm họp với các DN ngành điều tại Tp.HCM, để bàn giải pháp làm sao cho ngành điều chuyển mình trước bối cảnh hội nhập.
Tranh mua, tranh nhập
Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinacas, cả nước có khoảng 350 DN XK và có trên 1.000 DN chế biến hạt điều. Điều đáng nói là hiện nay có nhiều DN “ngoại đạo” cũng nhảy vào XK điều.
Chính điều này đã tạo hiện tượng tranh mua, tranh nhập hạt điều thô để chế biến XK. Hiện tượng đó dễ dẫn đến giá điều thô tăng lên mấy chục USD/tấn chỉ sau một đêm.
Một khi xảy ra chuyện tranh mua tranh bán, tranh chấp lẫn nhau, nếu thiếu nguyên liệu điều thô, thì chất lượng hạt điều XK cũng là một dấu hỏi.
Một vấn đề cũng đáng quan tâm là các hợp đồng mua bán hạt điều của DN Việt. Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân (công ty luật Vilex Law Firm), trong thời gian tư vấn pháp luật cho các DN XNK điều, bà đã gặp không ít các trường hợp không thể khởi kiện, do các bên đã ký kết một hợp đồng mua bán với các điều khoản bất lợi.
Bà Ngân lưu ý các điều khoản cụ thể khi giao kết Hợp đồng mua bán XNK điều mà DN Việt cần nắm kỹ. Chẳng hạn như hợp đồng có những điều khoản về chất lượng khó thực hiện trên thực tế, ví dụ như hàng hóa phải đạt 100% không có tạp chất, hoặc vỏ lụa. Ngay cả việc lựa chọn cơ quan giám định cũng là một thách thức.
Hoặc như điều khoản về thanh toán, luật sư Ngân lưu ý các DN cần chọn kỹ đối tác để NK nguyên liệu trước khi ký kết hợp đồng và chuyển tiền đặt cọc để tránh trường hợp đối tác không giao hàng. Ngoài ra, cần quy định chặt chẽ trong L/C về chứng từ giao hàng, ưu tiên áp dụng L/C trả chậm, L/C có điều kiện để có thể kiểm tra hàng cảng trước khi trả tiền.
Thực tế cho thấy, nguồn điều thô NK hiện vẫn đang chi phối ngành điều của Việt Nam. Số liệu hồi năm 2015 cho thấy Việt Nam đã nhập đến 850.000 tấn điều thô (chiếm 65% nguyên liệu chế biến để XK).
Việc các XK điều Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu NK trong nhiều năm nay, trong khi giá trị gia tăng XK của hạt điều nhân XK không lớn, có phần lỗi lớn của Vinacas và Bộ NN&PTNT, khi thiếu các giải pháp, tầm nhìn chiến lược cần thiết.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc công ty CP Long Sơn (chuyên sản xuất và XK hạt điều) - đã chỉ ra lỗ hổng lớn nhất của ngành điều hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu NK. Nếu các nước cung cấp hạt điều thô chủ động được việc sản xuất và chế biến, thì xem như nguồn điều nguyên liệu sẽ bị thu hẹp đáng kể, vì vậy sẽ tạo rủi ro khá cao.
![]() |
Ngành điều Việt Nam liên tục XK dẫn đầu thế giới, nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro
Bao giờ thực sự mạnh?
Theo mục tiêu, đến năm 2020, cả nước ổn định 300.000 ha điều, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, sản lượng 450.000 tấn. Vùng trọng điểm diện tích 200.000 ha ở 4 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, vấn đề tồn tại ở đây, theo Ts. Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), là sản lượng điều thô chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, NK còn nhiều. Quy trình kỹ thuật thâm canh điều chưa được nông dân áp dụng rộng rãi vào sản xuất.
Ts. Nguyễn Như Hiến nhấn mạnh việc tổ chức, sản xuất, liên kết giữa các nông dân trồng điều với DN chưa được thiết lập. Người trồng điều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
“Ngay các DN cũng chưa liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu; chưa hình thành hệ thống thu mua điều trực tiếp từ nông dân, giá cả thiếu ổn định, không mua theo tiêu chuẩn, dẫn đến chất lượng không đồng đều”, ông Hiến nói.
Thống kê cập nhật mới nhất từ lãnh đạo Vinacas, cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam XK 128.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch hơn một tỷ USD, giá điều XK cũng tăng, khoảng 12%.
Trong đó, thị trường Mỹ hiện đã vươn lên trở thành thị trường NK điều lớn nhất của Việt Nam. Trên 50% thị phần NK hạt điều tại Mỹ của , chiếm 50% thị phần.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm nay, các DN Việt đã XK sang Mỹ hơn 28.500 tấn, đạt kim ngạch hơn 220 triệu USD, tăng hơn 8,8% về lượng và 18,6% về giá trị. Giá XK bình quân vào thị trường Mỹ cũng tăng liên tục, khoảng 8,83% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cũng như điểm yếu của nhiều mặt hàng nông sản XK khác của Việt Nam, hạt điều XK vẫn còn yếu ở khâu làm thương hiệu.
Nói như ông Đặng Hoàng Giang, dù người Mỹ sử dụng rất nhiều hạt điều của Việt Nam, nhưng hầu hết các sản phẩm đều dưới tên gọi nhãn mác của các thương hiệu lớn của Mỹ. Họ không biết những sản phẩm hạt điều đó có xuất xứ từ Việt Nam.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, đã thẳng nói rằng ngành điều “lớn nhưng không mạnh”. Nếu như XK thuộc loại số một thế giới thì NK cũng thuộc hàng đầu. Vậy thì làm sao mang lại hiệu quả?
Ông Thanh cũng than phiền tình trạng tranh mua tranh bán của các DN nội địa dễ dẫn đến suy yếu ngành điều.
Theo các chuyên gia, trước những bất cập hiện nay của ngành điều, vai trò của Vinacas và Bộ NN&PTNT cần phải thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Nhất là Vinacas cần phải tập hợp được sức mạnh của các DN XK hạt điều.
Thế Vinh