Theo các thống kê từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, số lượng thuốc lá Jet và Hero nhập lậu hàng năm vào thị trường Việt Nam là khoảng 17,8 tỷ điếu thuốc. Và, thị trường tiêu thụ thuốc lá Jet và Hero tại Việt Nam hiện vào khoảng 500 - 600 triệu USD/năm. Với lượng tiêu thụ thuốc lá lậu khổng lồ, ước tính mỗi năm, Nhà nước bị thất thu một lượng thuế lớn, vào khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng.
Loay hoay tranh đoạt
Chính vì vậy, hai nhãn hiệu thuốc lá này vốn thuộc sở hữu của công ty Sumatra (Indonesia), khi được tuồn lậu vào Việt Nam được coi như “tội đồ”. Nhất là theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Còn theo nhận định của giới chuyên gia, sự tăng lên trong tổng lượng tiêu thụ thuốc lá Jet và Hero bất hợp pháp ở Việt Nam chủ yếu mang lại lợi ích cho bọn tội phạm buôn lậu, thay vì làm lợi cho các nhà sản xuất hợp pháp và ảnh hưởng xấu đến các khoản thu cho Nhà nước.
Vấn đề đặt ra là, với nạn buôn lậu hai thương hiệu thuốc lá này, thì hà cớ gì một doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) lại đi đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam, đồng thời nộp đơn yêu cầu Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đình chỉ/hủy bỏ hiệu lực các đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero đã cấp cho Sumatra, nhất là khi vụ việc tranh giành thương hiệu này đã kéo dài dai dẳng, bất kể hơn thua từ giữa năm 2015 đến nay.
Lẽ nào Vinataba không có chiến lược đầu tư sản xuất kinh doanh mới nào khả dĩ hơn, ngoài việc loay hoay tranh đoạt một thương hiệu đang bị tuồn lậu nghiêm trọng? Dẫu biết rằng Vinataba có ý tốt, là ngăn thuốc lá lậu, nhưng vì cách làm thiếu lành mạnh nên ngay cả dư luận trong nước cũng không đồng tình.
Chính Hội Luật gia Việt Nam cũng phải lên tiếng: “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào cộng đồng kinh tế toàn cầu với việc ký kết TPP, FTA, Hiệp định TRIPs của WTO. Do vậy, bất kỳ những vấn đề kinh doanh thương mại nào cũng cần được giải quyết thỏa đáng giữa các bên một cách công bằng, trên cơ sở pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”.
Chính vì vậy, vào tháng 1/2016, Hội Luật gia Việt Nam đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét không nên huỷ nhãn hiệu Jet và Hero của Sumatra, vốn đã đăng ký tại 108 quốc gia trên thế giới và đã được đăng ký sở hữu tại Việt Nam. Hội Luật gia Việt Nam cũng kiến nghị không nên cho phép đăng ký hai nhãn hiệu này cho Vinataba.
![]() |
Lượng tiêu thụ thuốc lá Jet và Hero bất hợp pháp ở Việt Nam chủ yếu mang lại lợi ích cho bọn buôn lậu
Của Sumatra, trả lại Sumatra
Trên thực tế, trước phản ánh của dư luận với nhiều ý kiến bất bình về việc làm của Vinataba, hôm 10/3 vừa qua, khi thông tin chính thức về việc đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam, Vinataba đã có động thái kêu gọi ủng hộ việc hủy bỏ hai nhãn hiệu này của Sumatra để hủy bỏ việc bảo hộ các nhãn hiệu cho sản phẩm thuốc lá đang được nhập lậu với số lượng lớn vào Việt Nam, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, phá hoại sản xuất và kinh tế Việt Nam…
Tuy nhiên, việc làm của Vinataba đã phản tác dụng, khi mọi lý lẽ, lợi thế pháp lý quốc tế dường như đã nghiêng về Sumatra. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi giữa tháng 2/2015 đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật và các cam kết quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ đã lưu ý rằng nếu Vinataba không chứng minh được việc Sumatra “có liên quan đến việc buôn lậu thuốc lá” và Sumatra không sử dụng các nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam, thì Bộ “sẽ không chấp nhận đề nghị của Vinataba”.
Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu Vinataba quan tâm tới sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng, thì tại sao không đầu tư chất lượng cho sản phẩm của mình, cũng như đầu tư quảng bá cho nhãn hiệu Vinataba để người tiêu dùng biết đến, mà lại đi lấy nhãn hiệu của doanh nghiệp nước ngoài để sử dụng?
Ts. Lê Xuân Thảo - lãnh đạo công ty TNHH sở hữu trí tuệ T&T Invenmark, đại diện pháp lý cho Sumatra tại Việt Nam, đã nhắc nhở Vinataba rằng không có bất kỳ một văn bản luật cũng như điều khoản pháp lý nào theo luật Việt Nam cho phép một công ty Việt Nam đăng ký nhãn hiệu đang thuộc sở hữu của người khác một cách hợp pháp.
Ông Thảo cho rằng việc làm của Vinataba không những làm trái với pháp luật Việt Nam, mà còn đi ngược lại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Công ty Sumatra có thể xem xét kiện Vinataba ra tòa án quốc tế về việc Vinataba “vừa ăn cướp, vừa la làng” đối với nhãn hiệu Jet và Hero. Vì vậy, theo ông Thảo, cần phải nghiêm khắc lên án để làm sạch môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Rõ ràng, việc tranh giành kéo dài của Vinataba và Sumatra nên sớm được cơ quan quản lý đưa đến “hồi kết”, để làm sao vẫn đảm bảo mang lại lợi ích cho Nhà nước, giảm thiểu được thuốc lá lậu, tránh cậy thế độc quyền và không để điều tiếng về một doanh nghiệp nội đi “cướp” thương hiệu ngoại.
Thanh Loan