Tại hội thảo khoa học với chủ đề Tăng cường khả năng quản lý, thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trong doanh nghiệp (DN), viện nghiên cứu và trường đại học diễn ra sáng 6/12, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng này.
Thiếu hiểu biết
Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) Hà Quang Tuấn kể một câu chuyện mà chính Hanoimilk là nạn nhân. Theo đó, Hanoimilk là công ty đầu tiên sản xuất và đăng ký nhãn hiệu sữa chua Yagout vị sầu riêng, tuy nhiên chỉ duy trì tiêu thụ được sản phẩm trong 6 tháng thì tràn ngập thị trường là các sản phẩm sữa chua vị sầu riêng của các đối thủ cạnh tranh.
Mất độc quyền, phải cạnh tranh với nhiều đối thủ nặng ký về thương hiệu và thị trường, nên sản phẩm Yagout vị sầu riêng của Hanoimilk bị lép vế.
"Chúng tôi không biết phải kiện như thế nào để bảo hộ tác quyền sáng chế. Giờ thì cũng đành bó tay!", ông Tuấn chia sẻ.
Đây là thực trạng không chỉ của riêng Hanoimilk gặp phải, mà có tới "nghìn lẻ một" nguyên nhân dẫn đến việc DN, chủ sở hữu sáng chế bị "mất trắng" sản phẩm trí tuệ. Ngoài nguyên nhân khách quan còn có cả nguyên nhân chủ quan, thậm chí do thiếu hiểu biết của chính chủ thể.
Ts. Nguyễn Quốc Thịnh, Bộ môn Quản trị thương hiệu, Đại học Thương mại, chỉ ra trên thực tế: Có quá nhiều chủ thể không quan tâm đến việc quản trị các nguồn tài sản trí tuệ cùng việc khai thác hiệu quả các nguồn tài sản trí tuệ này khi ứng dụng vào thực tiễn.
Một khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Thương mại thực hiện hàng năm với khoảng 125 DN sản xuất kinh doanh cho thấy tỷ lệ các DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp còn quá ít.
Đa phần các DN chỉ đăng ký "cho có" một nhãn hiệu hàng hóa trong khi sản xuất hàng chục mặt hàng, kiểu dáng mẫu mã khác nhau. Có tới 51/125 DN chưa hiểu về thủ tục và nơi đăng ký SHTT; 82/125 DN có chế độ thưởng cho các sáng kiến, sáng chế, nhưng mức độ thưởng khác nhau, trong đó có DN thưởng… 50.000 đồng cho một sáng kiến, giải pháp hữu ích! Điều này khó có thể nói là khuyến khích được người lao động đầu tư chất xám cho sáng kiến đem lại hiệu quả cao.
"Tôi đã chứng kiến một DN đối thủ câu kéo được cả một "team" (nhóm làm việc) của đối thủ khác chỉ vì họ trả lương hậu hĩnh hơn cho người làm ra sáng kiến. Có đối thủ chỉ chăm chăm mua lại sáng kiến của nhân viên công ty đối thủ bằng một chầu bia", ông Thịnh cho biết.
Muốn quản lý tài sản trí tuệ của mình, DN phải tiếp cận cả ở cấp độ tư duy chiến lược và thực tiễn triển khai, nghĩa là phải vừa nghĩ xa, có tầm nhìn ít nhất cho 5 năm sau, nhưng không chỉ nghĩ mà phải hành động, tìm kiếm các nguồn lực để thực hiện cho được mục tiêu.
Thế nhưng, theo ông Thịnh, hiện có tới 100% DN được khảo sát (125/125 DN) không có chiến lược khai thác tài sản trí tuệ và phát triển thương hiệu. Tương tự, 100% DN được hỏi không tiến hành định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, thương hiệu, không có quy chế bảo mật các bí mật thương mại, thông tin, dữ liệu…
Vì vậy không khó để hiểu vì sao chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (14/125 DN) có thể khai thác thương mại được các sản phẩm trí tuệ thông qua nhượng quyền. Còn lại, hầu như các giải pháp sáng chế đều không phát huy tác dụng.
![]() |
Không có nhiều DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp |
"Bóc ngắn cắn dài"
Thực trạng "bóc ngắn cắn dài" thể hiện tư duy "ăn xổi" không phải là cá biệt mà khá phổ biến với các sản phẩm SHTT hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp (Cục SHTT), việc chuyển giao công nghệ, hay đưa các sản phẩm trí tuệ từ nghiên cứu đến ứng dụng vào thực tiễn được "mua bán" khá tùy tiện.
"Chúng tôi khảo sát ở tất cả các viện, trường cho thấy quá trình chuyển giao công nghệ ở Việt Nam không giống bất cứ nước nào trên thế giới. Thậm chí, một cá nhân nghiên cứu ra sáng kiến, sáng chế, được giá là bán, hệt như mua nhà bằng giấy viết tay, không cần có sổ đỏ. Đến lượt DN, có được công nghệ cũng không có ý thức về tác quyền (bảo hộ quyền SHTT), đến khi xảy ra tranh chấp, không biết kêu ai", bà Hiền nói.
Ở góc độ một viện nghiên cứu đầu ngành về nông nghiệp, Ts. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thừa nhận dù mỗi năm Viện cho ra đời hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho các giống cây trồng mới, song tỷ lệ giống được bảo hộ sở hữu công nghiệp là rất thấp.
Ngay cả nhận thức về SHTT của cán bộ nghiên cứu cũng chưa đồng đều trong điều kiện Viện phải chuyển hướng sang tự chủ về tài chính, không còn bao cấp. Hiện chưa có một cơ chế "ăn chia" quyền lợi thỏa đáng giữa chủ sở hữu sáng chế và DN. Trong khi các sáng kiến "mạnh ai nấy bán" hoặc tỷ lệ ăn chia cho tác giả có sáng kiến rất thấp, nhưng DN nhờ ứng dụng sáng kiến lại thu được bội tiền…
Bà Hiền cũng cho biết chính vì cơ chế chia sẻ lợi ích không rõ ràng dẫn đến thực tế là ở các trường đại học, có nơi cho chủ thể được phép đi đăng ký quyền SHTT không cần đứng tên trường, lại có nơi trường là pháp nhân đăng ký quyền SHTT, còn tác giả của phát minh sáng chế lại không được gì, khiến triệt tiêu động lực sáng tạo.
Hồng Quân