Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 24/10, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: “Ngành Than lúc nào cũng có lượng than tồn kho dự trữ để đảm bảo an toàn năng lượng Quốc gia. Đấy là định mức tồn kho, được Nhà nước giao, và ngành Than phải đảm bảo được định mức an toàn.”.
Cũng theo ông Biên, hiện ngành than đang tồn kho có hai loại đó là than sạch và than bán thành phẩm, tức là than chưa được làm sạch, chưa được chế biến. Than bán thành phẩm chiếm gần 2 triệu tấn trong tổng số tồn kho gần 12 triệu tấn của ngành than. “Như vậy, lượng than tồn kho hiện nay cao hơn mức than tồn kho định mức gần 4 triệu tấn. Và trong 4 triệu tấn này, thì khoảng một nửa là than bán thành phẩm.”, ông Biên giải thích.
![]() |
Ngành than đang tồn kho 12 triệu tấn
Lý giải cho nguyên nhân vì sao than trong nước lại có giá cao hơn than nhập khẩu, ông Biên giải thích: do lượng than lộ thiên không còn nhiều, phải đào sâu xuống lòng đất mới có than, từ đó chi phí đầu tư tăng lên. Chi phí an toàn mỏ, khí hậu, môi trường cho chính bản thân ngành Than cũng phải tăng lên. Dù vậy, ngành Than vẫn cố gắng giảm giá thành xuống thấp.
“Nếu Việt Nam phải đào 11 m3 đất đá thì mới có than thì Inđônêxia chỉ cần đào từ 3-5m3 đất đá. Ngoài ra trình độ khai thác cơ giới hóa của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước khác. Đây chính là những nguyên nhân là đội giá thành sản phẩm so với các nước xuất khẩu than khác trên thế giới”.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, giá than giảm được 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó giá than trên thế giới có xu hướng tăng. Theo ông Biên, hiện giá than nhập khẩu và giá than trong nước đã gần tiệm cận. Ông Biên đánh giá, mức chênh lệch này sẽ duy trì trong thời gian ngắn hạn.
Hiện nay, riêng thuế, phí và VAT, mỗi tấn than trong nước phải “gánh” 25% trong giá thành. 20 đến 30% là chi phí khai thác; 17% chi phí bảo hiểm xã hộ và trả tiền lương; chi phí khác chiếm 3 đến 4%... Như vậy, thì lợi nhuận còn lại không nhiều.
Cụ thể, ở Việt Nam, than hầm lò bị đánh thuế 12%, than lộ thiên 14%, trong khi đó ở các nước xung quanh như ở Indonesia chỉ đánh thuế từ 7 đến 10% mà thôi.
Nhập khẩu than là con đường duy nhất để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất điện những năm tới, tuy nhiên vấn đề này hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, như việc xác định nguồn cung đến từ đâu, chính sách cho nhập khẩu, làm thế nào cân đối cung - cầu trong và ngoài nước, tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Thanh Hoa