Là doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lô tôm đông lạnh sang thị trường châu Âu, Công ty Thông Thuận (Ninh Thuận) cho biết, các đơn hàng của công ty tại thị trường EU tăng mạnh. Tháng 9/2020, Công ty Thông Thuận dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất vào châu Âu khoảng 4,5 triệu USD. Dự kiến trong năm 2020, doanh số xuất khẩu vào châu Âu của Công ty đạt khoảng 45 triệu USD.
Tôm đông lạnh chính thức xuất khẩu sang châu Âu với thuế suất nhập khẩu 0%. |
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá, các sản phẩm tôm được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0% ở thị trường châu Âu sẽ thúc đẩy sự gia tăng về xuất khẩu của cả ngành. Một số khác là các sản phẩm chế biến sâu được giảm về 0% trong 3-5 năm tới sẽ là một cơ hội rất tốt để trước mắt Việt Nam thúc đẩy sản xuất và cũng là giúp ngành tôm có được kế hoạch lâu dài để tái cơ cấu ngành.
Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để đáp ứng truy xuất nguồn gốc cho thị trường châu Âu và các thị trường khác, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương đẩy nhanh các việc cấp mã số vùng nuôi tôm, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất vì sản xuất tôm nhỏ lẻ đang còn nhiều, nên việc truy xuất nguồn gốc khó và khả năng cạnh tranh yếu.
Về lâu dài, ngành tôm Việt Nam vẫn phải tiếp tục tăng cường về khoa học công nghệ, chủ động được đàn tôm bố mẹ. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, tăng cường các nguồn nuôi sạch, nuôi có kiểm soát. Đồng thời, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam để tăng sức cạnh tranh.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU và Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong những tháng cuối năm 2020.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế hiện nay là 12 - 20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh. Sau 5 - 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%.
Tại châu Âu, dịch bệnh COVID-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh, trong khi nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi ít hơn, trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền, sản phẩm đóng gói tăng.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch COVID-19 xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.
Thy Lê