Có lẽ không riêng Ts.Thủy, vấn đề này cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập tới. Đây chính là lý do khiến Chính phủ vừa yêu cầu xem xét sửa đổi một văn bản pháp luật về hạn chế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bán lẻ, nhằm giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam giành lại thị phần đang rơi dần vào tay các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Giành lại thị phần bán lẻ
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương, các DN có vốn FDI chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị và khoảng 70% qua cửa hàng tiện lợi.
Trong thông báo kết luận tại cuộc họp về tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá rằng thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, có nhiều tiềm năng, được các NĐT trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm; có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết, định hướng lĩnh vực sản xuất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, trong quá trình đàm phán gia nhập các điều ước quốc tế, mở cửa thị trường, lĩnh vực phân phối, bán lẻ luôn là lĩnh vực nhạy cảm và được mở cửa theo lộ trình, cũng như Việt Nam đã giữ vững một số biện pháp quản lý, kiểm soát nhất định.
Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý đối với thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước vừa qua cho thấy nhận thức của các bộ, ngành và địa phương về việc mở cửa thị trường còn chưa thực sự thống nhất; việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng; việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong hoạt động của DN phân phối có vốn FDI chưa hiệu quả, chưa có các biện pháp hỗ trợ hợp lý để DN trong nước phát triển, mở rộng hệ thống phân phối trong nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp để rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa và những hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của NĐT nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn FDI tại Việt Nam (Nghị định thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017, trong đó nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung và giải trình làm rõ một số nội dung.
![]() |
Bán lẻ nội có "lật ngược được thế cờ"?
Cụ thể, bổ sung nguyên tắc xem xét, cấp phép cho NĐT nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn FDI để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa hoặc hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, thực hiện quyền phân phối bán lẻ tại Việt Nam trong trường hợp chưa cam kết hoặc mở rộng hơn, nhanh hơn so với cam kết quốc tế theo hướng không nới lỏng hơn các điều kiện, mở rộng hơn, sớm hơn cam kết quốc tế; chỉ xem xét, cho phép vượt cam kết đối với trường hợp thật sự mang lại lợi ích đáng kể cho ta và quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá lợi ích này (như về việc làm, thu nhập cho người lao động, không tạo bất lợi đối với DN trong nước…).
Những động thái trên đang cho thấy, quyết tâm giành lại thị trường thương mại nội địa từ phía Chính phủ. Ts. Trịnh Thị Thanh Thủy, đánh giá, trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, chính sách thương mại nội địa dường như vẫn đang thiếu một chiến lược phát triển tổng thể - với vai trò là nhạc trưởng trong dàn nhạc thị trường nội địa - để làm cơ sở định hướng cho hoạt động quản lý và phát triển thương mại.
“Cởi trói” từ chính sách
Theo Ts. Trịnh Thị Thanh Thủy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, Nhà nước không thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho DN, thay vào đó là hỗ trợ gián tiếp qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cung cấp thông tin, xây dựng định hướng cho DN... Thực tế, các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN của Nhà nước khá nhiều, nhưng khả năng tiếp cận của những chính sách này còn thấp, đặc biệt với DNNVV và siêu nhỏ.
“Điều này dẫn tới tình trạng Nhà nước vẫn đầu tư ngân sách cho phát triển DN nhưng hiệu quả đầu tư không cao, số lượng DN rút khỏi thị trường đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do không cạnh tranh được với các DN FDI và DN khác”, Ts. Thanh Thủy bình luận.
Ts. Thanh Thủy kiến nghị cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược tổng thể và toàn diện cho phát triển thương mại nội địa bảo đảm được hai yêu cầu: vừa mở cửa thị trường, tận dụng các cơ hội của hội nhập, vừa bảo vệ sự phát triển lành mạnh và tính cạnh tranh của thị trường trong nước trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các NĐT nước ngoài.
Đồng quan điểm, Ts. Đoàn Thị Thùy Dương - Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), cũng nhận định thời gian vừa qua, công tác phát triển thị trường nội địa vẫn còn chậm và nhiều biến động, các thị trường nội địa tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tuy dân số tại các khu vực này không hề ít.
Do đó, “Nhà nước cần có chính sách riêng cho khu vực thị trường nội địa để khuyến khích, hướng dẫn thương nghiệp tư nhân phát triển kinh doanh thương mại ở khu vực này với tư cách là các vệ tinh của các công ty lớn. Trong giai đoạn đầu, Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp trợ giá hàng hóa, ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại tại khu vực này”, Ts. Đoàn Thị Thùy Dương đề xuất.
Nhật Linh