Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước, khắc phục tình trạng doanh nghiệp chỉ hưởng ưu đãi thuế mà không đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm thời gian hưởng thuế ưu đãi nhập linh kiện cho doanh nghiệp ô tô trong nước đến hết năm 2022.
![]() |
Đề xuất tiếp tục ưu đãi thuế suất 0% đối với mặt hàng linh kiện nhập khẩu phục vụ các doanh nghiệp lắp ráp trong nước đến hết năm 2022. |
Trong đó, ưu đãi thuế suất 0% đối với mặt hàng linh kiện nhập khẩu phục vụ các doanh nghiệp lắp ráp trong nước mà phía doanh nghiệp Việt chưa chủ động sản xuất được.
Về sản lượng chung và riêng tối thiểu cho hãng xe, mẫu xe để được hưởng ưu đãi chính sách, năm 2021 theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các hãng xe đều phải có sản lượng chung hơn 23.000 chiếc/năm và sản lượng riêng tối thiểu cho mẫu xe là hơn 9.000 chiếc/năm.
Trên thực tế, 6 tháng qua, theo báo cáo doanh số bán hàng của VAMA và một số doanh nghiệp lớn, một số hãng xe đảm bảo được chỉ tiêu sản lượng chung tối thiểu 6 tháng 11.500 chiếc. Đơn cử như Toyota đạt được hơn 14.600 xe, Kia đạt hơn 21.500 chiếc, Mazda đạt hơn 13.300 chiếc, Hyundai Thành Công hơn 29.000 chiếc và VinFast đạt hơn 15.900 chiếc.
Tuy nhiên, về sản lượng riêng tối thiểu, 6 tháng qua, nhiều mẫu xe không đạt được theo quy định (4.500 chiếc). Cụ thể, trên thị trường, chỉ 6 mẫu đạt, trong đó Toyota chỉ có Vios đạt sản lượng riêng tối thiểu khi doanh số hơn 9.600 chiếc; Trường Hải có Kia Cerato đạt (hơn 4.700 chiếc), Mazda CX5 (4.800 chiếc); Hyundai Thành Công có 3 mẫu đạt là i10 (6.300 chiếc), Accent (hơn 9.900 chiếc) và SantaFe (hơn 5.400 chiếc); VinFast có Fadil đạt (hơn 10.100 chiếc).
Trước tình hình đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp không đáp ứng chỉ tiêu sản lượng là do ảnh hưởng dịch Covid-19. Vì vậy, VAMA và các doanh nghiệp lớn kiến nghị Bộ Tài chính bỏ quy định sản lượng tối thiểu để hỗ trợ doanh nghiệp hoặc điều chỉnh sản lượng để phù hợp với bối cảnh.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính bác bỏ với lý do để khắc phục tình trạng doanh nghiệp chỉ hưởng ưu đãi thuế mà không đầu tư mở rộng sản xuất. “Việc yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi phải đầu tư và đảm bảo quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp xe”, Bộ Tài chính cho hay.
Thay vào đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Bộ cũng đã đề xuất sửa một số nội dung như về kỳ xét ưu đãi, hiệu lực áp dụng, điều kiện khí thải để thống nhất với quy định về điều kiện sản lượng và thống nhất với các quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
Về sản lượng chung tối thiểu cho từng nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu cho ít nhất 1 mẫu xe, qua xem xét số liệu sản xuất của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng nhận thấy, sản lượng 02 kỳ trong năm có sự chênh lệch do việc bán hàng còn dựa vào các chu kỳ Tết và diễn biến thị trường. Tính chung cả năm sản lượng cả năm có thể có trường hợp đạt mức sản lượng theo yêu cầu nhưng tính theo từng kỳ 06 tháng thì có kỳ thiếu.
Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ nới điều kiện, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương án là kỳ xét ưu đãi 6 tháng hoặc kỳ xét ưu đãi 12 tháng. Trong đó, doanh nghiệp được chọn phương án kỳ xét ưu đãi 12 tháng đối với trường hợp có 01 kỳ không đạt tiêu chí về sản lượng nhưng tổng thể cả năm (12 tháng) vẫn đạt tổng sản lượng tối thiểu quy định tại dự thảo Nghị định.
Thanh Hoa