Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 17,6%).
Bộ Công Thương đánh giá, thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ, thủy sản, dệt may… đang tăng mạnh mẽ.
Về nhập khẩu hàng hoá, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,9 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 6,2%.
Sau 9 tháng, thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã chính thức vượt ngưỡng 100 tỷ USD với con số đạt 100,3 tỷ USD. |
Như vậy, sau 9 tháng, thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã chính thức vượt ngưỡng 100 tỷ USD với con số đạt 100,3 tỷ USD.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, có nhiều lý do để thương mại hai nước tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Trước hết là quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Trong thời gian tới, xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khi nhu cầu thị trường tăng lên, hàng tồn kho giảm. Lo ngại lớn nhất khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ là việc nước này gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu.
Để hạn chế rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại, tạo được các giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu trữ số liệu xuất khẩu để hợp tác với cơ quan điều tra khi xảy ra vụ việc.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021 (đạt 111,55 tỷ USD). Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 96,27 tỷ USD và nhập khẩu đạt 15,28 tỷ USD. Bước sang năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 111 tỷ USD.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng vững chắc, giúp hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột; trong đó trụ cột kinh tế thương mại đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.
“Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam nhiều năm liên tục và hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ rất đa dạng và phong phú. Dự báo kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả khả quan,” ông Vũ Bá Phú nói.
Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả bằng cách nghiên cứu và nắm bắt xu hướng thị trường, tìm hiểu nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng Hoa Kỳ, đồng thời, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế và các sự kiện giao thương cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, thiết lập mối quan hệ với các đối tác và nhà phân phối tại Hoa Kỳ.
Hồng Hương