Bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế của Wincommerce (áo trắng) tại Diễn đàn Chính sách và pháp luật phát triển thị trường thương mại trong nước do Bộ Công Thương tổ chức. |
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 đưa vào Nghị quyết năm 2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đã đạt mức 18 - 20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng.
Tính riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...
Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.
Thời gian gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử bán lẻ trong nước như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới, các sàn này cũng thuộc đối tượng phải kê khai và nộp thuế theo diện nhà cung cấp nước ngoài.
Tại Diễn đàn Chính sách và pháp luật phát triển thị trường thương mại trong nước do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Phạm Quỳnh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế & Pháp lý, Deloitte Việt Nam thông tin cho biết doanh số bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,9% tính theo đồng nội tệ trong giai đoạn 2024 - 2028. Trong đó, bán lẻ trực tuyến dự kiến có tốc độ 17,2%.
Đáng chú ý, các sàn thương mại điện tử lớn, phần lớn thuộc sở hữu nước ngoài, đang chiếm ưu thế thị phần. Shopee đang là sàn dẫn đầu về lượng truy cập hàng tháng khi chiếm 73% thị phần. Tiếp theo là Tiktok shop (nền tảng của TQ), Lazada (thuộc sở hữu của Alibaba Group, Trung Quốc). Ba vị trí tiếp theo là Tiki, Chiaka và Sendo (chiếm 1% thị phần).
Về phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế của Wincommerce, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các sàn thương mại điện tử nội địa có tính cạnh tranh với các nền tảng nước ngoài. Bên cạnh đó, tổ chức sự kiện, hoạt động để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, giới thiệu sản phẩm nội địa trên nền tảng thương mại điện tử.
“Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ chính phủ trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các sàn thương mại điện tử quốc gia, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội địa đưa sản phẩm của mình giới thiệu quảng bá trên các sản thương mại điện tử này. Hoặc hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể xây dựng các sàn thương mại điện tử mang tính cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp nước ngoài", đại diện chủ thương hiệu bán lẻ Winmart và Winmart+ đề xuất.
Đỗ Kiều