Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc CTCP Sen Đỏ, chia sẻ điều này tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam” chiều 2/10. Theo đó, giờ đây phát triển thương mại điện tử (TMĐT) không còn là cuộc đua của người có tiền mà là cuộc đua của những cách làm khôn ngoan, thấu hiểu khách hàng.
Thách thức đối đầu với “đại gia” ngoại
Báo cáo của Google và Temasek cho thấy quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tăng 5,3 lần trong 7 năm tới, từ mức 2,8 tỷ USD năm 2018 lên 15 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, tỷ trọng doanh thu TMĐT trong bán lẻ sẽ tăng từ 3% năm 2018 lên hơn 10% năm 2025.
Ông Trần Hải Linh cho hay các nhà đầu tư đánh giá TMĐT Việt Nam đạt mức tăng trưởng hơn 40%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam thu hút vốn ngoại vào TMĐT đạt 900 triệu USD. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, là cơ hội lớn cho Sen Đỏ, Tiki, MoMo... thu hút vốn để mở rộng thị trường.
Theo đại diện Sen Đỏ, lâu nay nói về TMĐT, chúng ta thường nói là “cuộc đua” của người có tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp (DN) TMĐT thành công, có lãi và phát triển nhanh, những DN nhỏ nhưng không ngừng lớn mạnh. Điều này cho thấy TMĐT đang là cuộc đua của những cách làm khôn ngoan, thấu hiểu khách hàng.
Vì vậy, ông Linh dẫn ra một số nguy cơ khi kinh doanh TMĐT. DN làm TMĐT luôn luôn phải đối diện với các tập đoàn nước ngoài có thế mạnh về vốn và công nghệ, ngay lập tức có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nếu DN Việt không nhanh chân sẽ mất “sân nhà”.
Bên cạnh đó, TMĐT xuyên biên giới ngày càng phát triển, DN TMĐT của Mỹ, Trung Quốc dễ dàng đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam như Alibaba cam kết đưa hàng đến người dùng thế giới trong vòng 36 tiếng đồng hồ và các công ty như Giao Hàng Nhanh, Tiki, Sen Đỏ... buộc phải chấp nhận cuộc chơi này.
Đồng thời, trong những năm vừa qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên cũng phải thấy rằng 50% tổng số vốn đầu tư vào thị trường Đông Nam Á chảy vào Singapore vì họ có môi trường thông thoáng hơn Việt Nam. Trong khi đó, DN TMĐT Việt Nam vẫn còn non trẻ, ngay cả các DN lớn vẫn phải học hỏi và vươn lên.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cơ hội phát triển TMĐT có nhiều nhưng thách thức lớn nhất là chúng ta vẫn sử dụng tiền mặt cho phần lớn giao dịch TMĐT. Điều này làm xói mòn sự tin tưởng giữa DN và người tiêu dùng, làm giảm khả năng kết nối thành công của các giao dịch.
“Người mua hàng cứ muốn nhận hàng rồi trả tiền, người bán hàng cũng dự tính khả năng hàng hóa của mình có thể bị từ chối nên chưa chú tâm chất lượng hàng hóa. Lâu dài đây là điểm mấu chốt chúng ta phải giải quyết được”, ông Hải nhấn mạnh.
Khảo sát trở ngại khi mua hàng trực tuyến cho thấy 83% khách hàng phản ánh hàng hóa kém chất lượng so với quảng cáo. Tiếp đó là dịch vụ chăm sóc khách hàng kém, khách hàng lo ngại thông tin bị tiết lộ... Ngoài ra, DN bán hàng TMĐT đều có website nhưng số DN có App cho thiết bị di động chỉ 60-70%, trong khi mua bán trên thiết bị di động đang rất phát triển.
Nông thôn là khu vực rất tiềm năng để các DN TMĐT khai phá |
“Mỏ vàng” thị trường nông thôn
Trước thực tế trên, đại diện Sen Đỏ mong muốn Nhà nước có môi trường cởi mở hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, từ đó DN TMĐT có thể mở rộng đầu tư.
Từ kinh nghiệm của Sen Đỏ trong 7 năm làm TMĐT, ông Linh cho rằng cần phải đẩy mạnh phát triển TMĐT ở vùng nông thôn, hiện 2/3 khách hàng của Sen Đỏ là người dân nông thôn.
“Chiến lược của chúng tôi là mang lại giá trị thật cho người dùng Việt Nam, những người không có cơ hội đến siêu thị. Chúng ta có thể thua đối thủ quốc tế về vốn, công nghệ nhưng mình có lợi thế là có thể thấu hiểu khách hàng. Nông thôn cũng là khu vực mà các “ông lớn” TMĐT nước ngoài chưa quan tâm đến”.
Cùng với đó, để cạnh tranh, các DN TMĐT cần phải thay đổi liên tục, làm sao nhanh chóng chuyển dịch sang cách làm mới đúng xu hướng trên thế giới.
Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm FinTech, Tổng công ty truyền thông VNPT - Media, cho biết người dùng nông thôn rất thích mua sắm quần áo, thiết bị đồ dùng gia đình... Tuy nhiên, rào cản phát triển TMĐT nông thôn là khách hàng vẫn thiếu niềm tin vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thanh toán, bảo vệ dữ liệu khách hàng. Đặc biệt, người dân vẫn giữ thói quen thanh toán dùng tiền mặt đang là yếu tố cản trở TMĐT phát triển.
Vì vậy, ông Thắng kiến nghị Chính phủ sớm thông qua chủ trương và đề án để dịch vụ Mobile Money (dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động) đi vào cuộc sống.
Mặt khác, nhắc lại quan điểm “Để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Thắng dẫn lời của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Mobile Money giúp chúng ta ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao”.
Chia sẻ định hướng thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ xây dựng chương trình tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ông Đặng Hoàng Hải khẳng định sẽ đẩy mạnh phát triển TMĐT ở khắp các địa phương trên cả nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện thể chế khung pháp lý về TMĐT, hoàn thiện cơ sở hạ tầng TMĐT, xây dựng và triển khai các giải pháp chuyển đổi số tổng thể, phát triển nguồn nhân lực số.
Đặc biệt, ông Hải nhấn mạnh cần phải cải thiện chất lượng TMĐT, từ chất lượng hàng hóa đến dịch vụ. Trong đó, cải thiện chất lượng hàng hóa phải đặt lên đầu, hàng bán trên sàn TMĐT phải là hàng chính hiệu chứ không phải là hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Về vấn đề phát triển hàng Việt trên TMĐT, hiện nhiều người nói hàng hóa trên TMĐT phần lớn không phải là hàng Việt, nên phải hạn chế hàng ngoại. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng không nên hạn chế mà TMĐT cần đồng hành cùng hàng Việt. Theo đó, Bộ Công Thương đang đặt tham vọng cần có gian hàng Việt có xuất xứ rõ ràng trên sàn TMĐT, giúp tăng sức hấp dẫn cho hàng Việt, để hàng hóa Việt Nam không chỉ bán cho nội địa mà còn là trên toàn thế giới.
Thy Lê