Quy mô thị trường thời trang Việt Nam được đánh giá hấp dẫn, nên ngày càng thu hút nhiều thương hiệu mới nhập cuộc. Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, quy mô thị trường quần áo Việt Nam năm 2019 ước tính 5,6 tỷ USD với mức tăng trưởng kỳ vọng 8,8% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023. Đặc biệt, 97% doanh thu thị trường đến từ những mặt hàng quần áo bình dân, không phải hàng cao cấp.
Tâm lý chuộng hàng ngoại
Ngày 6/12 vừa qua, Uniqlo đã chính thức “tham chiến” thị trường bán lẻ thời trang Việt Nam bằng cửa hàng đầu tiên rộng 3.100m2 tại Tp.HCM. Trong buổi gặp gỡ với truyền thông, ông Tadashi Yanai - nhà sáng lập kiêm CEO của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo, nhấn mạnh Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất và cũng là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của hãng thời trang này.
Bên cạnh Uniqlo, có mặt sớm hơn, Zara (năm 2016) và H&M (năm 2017) cũng là hai cái tên nổi bật trong thị trường thời trang nhanh tại Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh của cả hai được đánh giá thành công khi doanh thu thuần của H&M năm 2018 tại Việt Nam hơn 28 triệu USD (tương đương 664 tỷ đồng), tăng gấp 4,5 lần doanh thu của năm 2017 (khoảng 6,5 triệu USD).
Trong một phát biểu mới đây, ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, cho rằng mỗi ngày người Việt chi khoảng 1,8 tỷ đồng để mua quần áo thương hiệu này.
Cũng theo ông Fredrik, là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của H&M tại khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo tài chính của Zara Việt Nam đưa ra những con số hấp dẫn khi chỉ với 2 cửa hàng tại Hà Nội và Tp.HCM, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỷ đồng, cao hơn cả những chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp.
Theo các nhà phân tích, kết quả kinh doanh của hai thương hiệu thời trang nhanh nói trên đã chứng minh phần nào sức hấp dẫn của thị trường thời trang Việt.
Sức hấp dẫn này càng có cơ sở hơn nữa khi trong báo cáo về nền kinh tế các quốc gia trong khu vực ASEAN, kiểm toán đã đưa ra số liệu cho thấy Philippines và Việt Nam là hai thị trường có tỷ lệ chi tiêu cho hàng tiêu dùng/GDP cao nhất trong khu vực.
Dự kiến tới năm 2030, tỷ lệ này sẽ lên tới 40,2% tại Philippines và 36,6% ở Việt Nam. Xu hướng chi tiêu cho “thời trang nhanh” cũng đang được người tiêu dùng khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang hướng tới.
Đại diện một thương hiệu Việt cho rằng tâm lý chuộng hàng ngoại của đa số người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ là một trong những yếu tố tạo nên thành công cho các thương hiệu thời trang nhanh nước ngoài trên thị trường Việt Nam.
Thương hiệu Việt thất thế
Thời trang nhanh bùng nổ từ những năm 1960, thu hút rất đông người mua sắm, chủ yếu do mẫu mã đa dạng, tốc độ thay đổi nhanh, giá cả vừa phải. Tại Việt Nam, mãi đến những năm 2000, một số doanh nghiệp trong nước mới khuấy động thị trường như Blue Exchange, Ninomaxx, PT 2000, Maxx Style, N&M, Sifa, hay Sea Collection.
Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu này hiện đã thu hẹp quy mô kinh doanh, cùng với làn sóng mới của các thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu thâm nhập thị trường Việt Nam.
Thậm chí, vào cuối năm 2012, thương hiệu Foci đã phải tuyên bố rút khỏi thị trường, chủ doanh nghiệp khi đó lý giải là đó là do “gặp khó vì sức mua giảm, không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ”.
Thực tế, sau một thời gian phát triển ồ ạt, giới phân tích cho rằng các thương hiệu Việt đuối sức là do không nắm bắt được xu thế thiết kế mới, không đem lại trải nghiệm phong cách cho người tiêu dùng... Trong khi đó, Zara và H&M luôn có thể tiết giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng áp lực cạnh tranh với các thương hiệu khác.
Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến giá thuê mặt bằng, chi phí kênh trực tuyến không ngừng tăng cũng là một trong những vấn đề gây đau đầu cho các thương hiệu Việt.
Giám đốc một chuỗi thời trang Việt dành cho lứa tuổi mới lớn cho biết tổng chi phí cho kênh trực tuyến đang chiếm tới 35-40% giá trị đơn hàng, nghĩa là bán được một cái đầm 500.000 đồng thì đã phải bỏ ra gần 200.000 đồng để quảng cáo, tiếp thị, giao nhận.
Đáng chú ý, khảo sát tại nhiều cửa hàng thời trang thương hiệu Việt cho thấy với mức giá niêm yết, các sản phẩm Việt Nam có giá ngang bằng hoặc cao hơn so với các thương hiệu thời trang nhanh. Ngay cả khi áp dụng các chương trình giảm giá 30-50% thì giá các sản phẩm trong nước vẫn bằng, thậm chí cao hơn các sản phẩm tương đương tại H&M, Zara.
Đặc biệt, trong khi các thương hiệu ngoại ngày càng chứng minh được sức hút của mình thì thương hiệu Việt lại đang đánh mất niềm tin nơi người tiêu dùng. Vụ việc một số thương hiệu uy tín trong nước không tự sản xuất sản phẩm mà nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác bán ra thị trường với mác “made in Việt Nam” như Seven. AM, Khaisilk... thời gian vừa qua là những ví dụ điển hình.
Vân Linh