Ngày 18/3/2016, Bộ Tài chính ra Công văn số 189 để khắc phục những bất cập của Thông tư số 48 ra trước đó (ngày 17/3) về áp thuế NK xăng dầu. Theo đó, áp thuế NK để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế NK bình quân gia quyền theo sản lượng NK từ các nguồn khác nhau, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.
Bất cập phát sinh
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu (VINPA), cho biết: “Sau Thông tư 48 áp mức thuế NK đối với mặt hàng xăng là 20%, dầu là 7%, bộc lộ nhiều bất cập. Bộ Tài chính đã ban hành văn bản 189 để khắc phục. Hiện mức thuế NK đang áp dụng cho quý II/2016 để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% với diesel, 0% với dầu hỏa và mazut”.
Với phương pháp tính thuế NK bình quân gia quyền, theo VINPA và nhiều chuyên gia, đang gây ra nhiều bất cập, vi phạm Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, gây phát sinh chênh lệch lớn, đẩy mức giá cơ sở lên cao, khó hạ giá bán lẻ, gây thiệt hại cho NTD.
Cụ thể, với mức thuế NK bình quân gia quyền dùng để tính giá cơ sở với xăng là 18,35%, nếu DN NK xăng từ Hàn Quốc với mức thuế 10% theo quy định (từ ASEAN là 20%), thì mức chênh lệch thuế dùng để tính giá cơ sở sẽ cao hơn 8,35% (thấp hơn 1,65% khi nhập từ ASEAN).
![]() |
Thuế NK xăng dầu được đánh giá chưa đem lại lợi ích cho NTD
Mức chênh lệch này, theo VINPA và nhiều chuyên gia, không chỉ vi phạm quy định, mà còn phát sinh sự cạnh tranh không công bằng, khiến các DN đầu mối “chạy đua” NK tại các thị trường có mức thuế thấp, nhưng khi bán ra vẫn áp theo mức giá thuế NK chung, điều này không đem lại lợi ích cho NTD.
Việc lấy số liệu của quý trước để tính bình quân gia quyền cho quý sau cũng bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý. PGs.Ts. Phạm Tất Thắng - Chuyên gia thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng: “Cách tính này dễ gây ra “độ trễ” cho giá bán trong nước, không phản ánh đầy đủ diễn biến giá dầu trong nước và giá dầu thế giới”.
Minh chứng là ngay trong kỳ điều hành đầu tiên của quý II/2016, khi áp dụng mức thuế bình quân gia quyền, giá dầu diesel trong nước đã đi ngược lại với giá của thế giới (trong khi thế giới giảm 0,4% thì trong nước phải tăng quỹ bình ổn từ 938 đồng lên 1.017 đồng để giữ giá bán lẻ).
Tiền vào túi ai?
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng lượng xăng dầu NK của cả nước là 5,4 triệu tấn (tăng 27,6% so với cùng kỳ 2015). Việc giá dầu thế giới “lao dốc”, khiến giá NK bình quân của Việt Nam giảm tới hơn 37,5% so với cùng kỳ.
Các số liệu cũng cho thấy, tổng lượng xăng dầu NK của Việt Nam với các thị trường ASEAN và Hàn Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ 2015. Tăng “khủng” nhất là từ thị trường Hàn Quốc với hơn 713.000 tấn (tăng gấp 9 lần cùng kỳ 2015), từ Singapore với 2,18 triệu tấn (tăng 7,4% so với cùng kỳ 2015).
Với mức chênh lệch thuế với xăng thấp hơn gần 1,65% nhập từ ASEAN và 8,35% từ Hàn Quốc (theo phân tích ở phần 1), các DN biết chớp thời điểm có thể thu lợi nhuận khổng lồ (với lãi chênh lệch 678 đồng/lít). Điển hình như Petrolimex, lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm kinh doanh xăng dầu lên tới 658 tỷ đồng (chiếm gần 48% tổng lợi nhuận).
Mức chênh lệch lớn giúp các DN kinh doanh xăng dầu thu lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, trong khi NTD chưa thực sự được hưởng lợi từ sự “chênh lệch” này, mà ngược lại vẫn phải mua xăng dầu với giá cao.
“Với mức thuế NK bình quân gia quyền 18,35% đối với xăng và 2,32% với dầu diesel, thì mức chênh lệch thuế NK lớn, khiến giá cơ sở ở mức cao, dẫn đến việc dù xăng dầu được NK tại các thị trường có thuế thấp hơn nhiều (điển hình như Hàn Quốc), nhưng khi bán ra, giá bán lẻ vẫn giữ nguyên”, ông Phan Thế Ruệ, phân tích.
Để giải quyết những bất cập hiện nay, các chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần áp thuế NK đồng nhất đối với xăng là 10% theo FTA - Hàn Quốc, 0% với các mặt hàng dầu theo quy định của ATIGA và áp mức thuế này vào tính giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu.
Phản hồi trước ý kiến “xem xét lại” của VINPA, Bộ Công Thương và các chuyên gia trong ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định việc áp thuế NK bình quân gia quyền không vi phạm các quy định hiện nay. Trong thời điểm hiện tại, đây vẫn là phương pháp cân bằng nhất lợi ích của Nhà nước, NTD và DN, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, cách tính thuế này chỉ là phương án hiện tại. Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các phương án khác hợp lý với những biến động của thị trường, đem lại lợi ích cao nhất cho NTD và DN.
Hiến Nguyễn