Xét ở tầm quốc gia, kinh nghiệm ở một nước phát triển trong khu vực như Singapore cho thấy mức thuế thật thấp để người nộp thuế không có động lực phải trốn thuế. Doanh nghiệp (DN) nộp số thuế nhiều nhất là DN hoạt động hiệu quả nhất.
Còn ở tầm DN với quan niệm tiết kiệm về thuế, xét ở khía cạnh hiệu quả, thuế được xem như một khoản chi phí và các DN đều mong muốn tiết kiệm. Trong thực tế, các DN thường áp dụng cách nào để tiết kiệm thuế? Thứ nhất là “trốn”. Thứ hai là tránh các khoản phạt hành chính. Thứ ba là tránh các tổn thất. Thứ tư là tận hưởng các ưu đãi.
Hiểu đúng, làm đúng
Trong vấn đề “trốn”, phải thấy đây có lẽ là câu trả lời đơn giản nhất. Khi nói đến tiết kiệm, có lẽ các DN nhanh chóng nghĩ đến cách này. Tuy nhiên điểm yếu của nó là tính chính danh và rủi ro.
Trốn thuế là một trong các vi phạm của DN và khi bị phát hiện thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Ngoài tổn hại về tài chính, DN có thể phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng hơn như: Bị truy tố hình sự về tội trốn thuế. Khi sử dụng cách thức này, rõ ràng là DN đang tự đưa mình vào rủi ro và nguy hiểm để đánh đổi lấy lợi ích trước mắt.
Về việc tránh các khoản phạt, có thể thấy các quy định về thuế được ban hành tại rất nhiều văn bản khác nhau. Để hiểu đúng các quy định này không phải là điều dễ dàng. Đã thế chúng lại thường xuyên được sửa đổi bổ sung. Những nguyên nhân đó dẫn đến việc hiểu sai, làm sai là điều khó tránh khỏi.
Khi DN làm sai thì sẽ bị phạt. Thông thường một quyết định phạt được đưa ra sẽ bao gồm: Phạt vi phạm hành chính; truy thu 1 đến 5 lần số thuế phải nộp; phạt chậm nộp. Riêng khoản này để càng lâu thì càng lớn, thậm chí có nhiều trường hợp lớn hơn cả số truy thu. Để tránh cái này thì DN chỉ còn cách hiểu đúng và làm đúng mà thôi.
Đối với việc tránh các tổn thất, có những khoản chi phí được thuế chấp nhận, có những khoản thì không. Khi không được chấp nhận, DN phải lấy từ lợi nhuận sau thuế để bù đắp vào. Đây được coi là một tổn thất cho DN.
Để tránh các khoản tổn thất, DN cần đánh giá được tác động của thuế đối với từng cách thức thực hiện và lựa chọn cách thức hiệu quả nhất. Tất nhiên là chi phí thuế là một yếu tố cần xem xét trong rất nhiều yếu tố khác có tác động đến hiệu quả kinh doanh.
Về việc tận dụng các ưu đãi, với các DN, việc được hưởng các ưu đãi là một điều tuyệt vời. Các ưu đãi thường liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và địa bàn được khuyến khích. Bên cạnh đó, để được ưu đãi, DN cần đáp ứng được các điều kiện nhất định trong từng tình huống cụ thể.
Vậy, DN có thể làm gì? Cách tiếp cận sẽ là: Bỏ qua cách A (không trốn thuế, tuân thủ các qui định của nhà nước); triệt để cách B (tránh các khoản phạt); hướng tới cách C (tránh các tổn thất); và vươn lên cách D (tận dụng ưu đãi).
Chi phí thuế là một yếu tố cần xem xét trong rất nhiều yếu tố có tác động đến hiệu quả kinh doanh của DN
Với cách B, vai trò của kế toán thuế là đặc biệt quan trọng. Họ bảo đảm bộ phận này có đủ năng lực để thực hiện đúng. Hoặc sử dụng các tổ chức Đại lý thuế chuyên nghiệp.
Việc đầu tư cho công việc này là một đòi hỏi tất yếu và chính đáng. Cách C và cách D đòi hỏi sự tham gia của lãnh đạo cấp cao. Điều này đòi hỏi lãnh đạo DN có tư duy chiến lược và dài hạn, nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của thuế, lựa chọn đúng đắn trong các quyết định kinh doanh.
Trước mỗi quyết định quan trọng, lãnh đạo DN nên tham vấn ý kiến của chuyên gia tư vấn thuế nhằm đánh giá ảnh hưởng của thuế. Dường như là công tác hoạch định thuế ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững, thậm chí là vượt trội của DN.
Không việc gì phải sợ!
Về cơ chế thuế, DN tự khai, tự nộp thuế - cơ quan thuế kiểm tra. Hệ quả của vế “DN tự khai, tự nộp thuế” là: Gánh nặng của DN. Đó là phải am hiểu thuế để tự thiết lập thủ tục khai 23 loại thuế với tổng cộng 188 mẫu biểu. Riêng thuế Thu nhập DN đã là 20 mẫu biểu kê khai thuế. DN cũng phải am hiểu chính sách thuế để tránh rủi ro về thuế, đồng thời tận dụng được ưu đi thuế.
Hệ quả của vế “Cơ quan thuế kiểm tra” là: Gánh nặng của cơ quan thuế khi chọn đúng đối tượng cần kiểm tra. Hiện nay, Tổng cục Thuế chỉ đạo tập trung vào những DN có rủi ro cao về thuế. DN có hoàn thuế giá trị gia tăng - DN có sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp - DN có ưu đãi miễn, giảm thuế - DN có dấu hiệu chuyển giá - DN giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ…
Cơ quan kiểm tra thuế phải tuân thủ quy định pháp luật như áp dụng phương pháp quản lý rủi ro về thuế chỉ kiểm tra thuế tối đa 1 lần/năm. Chỉ thị 20/CT-TTg vào tháng 5/2017 của Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu chỉ thanh/kiểm tra 1 lần/năm. Nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao.
Một câu hỏi khác là DN nhìn nhận về cán bộ thuế ra sao? Trước tiên, nỗi sợ cán bộ thuế làm khó dễ về thủ tục khai thuế - hạch sách khi kiểm tra thuế. Thứ hai là đòi hỏi, vòi vĩnh. Xin kể một câu chuyện thực tế về việc mời DN đến giải trình số liệu tại cơ quan thuế. Đó là điện thoại mời DN đem sổ sách, tài liệu lên trụ sở cơ quan thuế, để gặp cán bộ thuế hoặc đe dọa sẽ xuống kiểm tra tại DN.
Thực ra, DN không việc gì phải sợ cán bộ thuế. Cũng nên nhắc lại phát biểu của Cục trưởng Cục thuế Tp.HCM Trần Ngọc Tâm: Không có quy định nào cho phép cán bộ thuế được quyền gọi điện thoại mời DN cả. Nếu cán bộ thuế phát hiện DN có vấn đề thì lãnh đạo cơ quan thuế phải ký văn bản đề nghị DN giải trình.
Theo ông Tâm, muốn mời DN lên làm việc hay xuống kiểm tra thì cũng phải gửi văn bản, thư mời báo trước 3 ngày. Khi làm việc với DN cũng phải có biên bản rõ ràng. Khi DN nộp hồ sơ, nếu cán bộ từ chối, thì phải trả lời bằng văn bản cho DN biết lý do hồ sơ không được tiếp nhận và nói rõ thiếu giấy tờ gì.
Ở một câu chuyện khác, có một chuyện nghịch lý là DN nộp thuế 1 tỷ/năm thì DN sợ cán bộ thuế kiểm tra - DN nộp thuế 100 tỷ/năm thì cán bộ thuế sợ kiểm tra DN trong lúc cơ quan thuế giữ gìn DN như báu vật.
Điển hình như tại Tp.HCM, VinaGame có trụ sở tại quận 10, kinh doanh tại quận 11 (tòa nhà EverGreen), mỗi năm DN này nộp cho cơ quan thuế quận 10 chừng 70 - 80 tỷ đồng. Xin hỏi: Cán bộ thuế quận 10 có dám hạch sách, làm khó dễ DN không? Tôi cho rằng không. Lý do: Chỉ cần VinaGame đề nghị chuyển văn phòng DN về quận 11 là cơ quan thuế quận 11 trải thảm đỏ rước về!
Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn