Mới đây Chính phủ đã đồng ý chuyển biện pháp phòng chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B để tập trung phát triển kinh tế, đồng thời dịch Covid-19 hiện nay đã tạm thời lắng xuống, số ca mắc cũng giảm nhiều. Tuy nhiên, số người quan tâm hậu Covid-19 lại gia tăng đáng kể.
Thực phẩm chức năng vào mùa “bội thu”
Chị Nguyễn Thị Minh Chiến ở Minh Khai - Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, cả gia đình chị có 4 người đều mắc Covid-19 đợt tháng 2 vừa rồi, cũng may gia đình không ai bị nặng, chỉ có triệu chứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đi ngoài. Sau một tuần ở nhà cách ly điều trị cả gia đình chị đã thoát khỏi F0, nhưng điều chị quan tâm là chồng và 2 con sau khi khỏi Covid-19 thỉnh thoảng lại thấy mệt mỏi, khó thở.
Nghe lời khuyên của một đồng nghiệp, chị lên mạng tìm mua loại thuốc bổ phổi, vitamin C tăng sức đề kháng cho cả gia đình. Dòng vitamin C quen thuộc có xuất xứ của Pháp mà chị từng mua cách đó 4 tháng đã tăng giá đáng kể, trước kia chỉ mua với giá 230 nghìn/lọ/60 viên thì nay có giá 280 nghìn/lọ.
"Người bán hàng giải thích vì mặt hàng này đang khan hiếm, lại hàng xách tay từ Pháp về cũng phải chờ rất lâu", chị Chiến nói.
![]() |
Thực phẩm chức năng, Vitamin... giống như con dao hai lưỡi, nếu dùng đúng cách hiệu quả rất tốt và ngược lại dùng sai dễ gây hậu quả khó lường. |
Gia đình chị Huyền có facebook Huyền Trần (Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ, mấy ngày nay chị lên các nhóm hội trên facebook để tìm mua thuốc bổ phổi cho trẻ con, nhà chị có 2 con nhỏ dưới 8 tuổi đợt vừa rồi cũng mắc Covid-19. Hàng ngày chị vẫn bổ sung vitamin D cho con, nhưng giờ tìm thêm dòng thuốc bổ phổi cho hai bé để tăng sức đề kháng cao hơn, nhưng dòng thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ bổ phổi cho trẻ con khá ít. Chị Huyền tìm được sản phẩm ưng ý nhưng lại có xuất xứ của Đức với giá thành hơn 1 triệu/lọ/30 viên nang, trong khi trong Tết chỉ có giá 870 nghìn/lọ, nghĩa là đã tăng thêm hơn 300 nghìn.
Trao đổi với Vnbusiness, chủ của một quầy thuốc tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 năm 2020 đến thời điểm hiện tại, một số loại nhóm thuốc bổ, vitamin được khách hàng hỏi rất nhiều. Chủ cửa hàng này cũng đưa ra một số thực phẩm chức năng cụ thể như tinh dầu tỏi, bổ phổi, tăng sức đề kháng, hỗ trợ giảm đau xương khớp… thường xuyên "cháy hàng".
Còn chủ một quầy thuốc khác ở Đống Đa cho hay, quầy thuốc này bán cả thuốc điều trị Covid-19 được Bộ y tế cấp phép. Thế nhưng khoảng một tháng trở lại đây số khách mua thuốc điều trị Covid-19 giảm đi đáng kể, trong khi đó mặt hàng các loại thuốc bổ, vitamin được khách hàng quan tâm nhiều hơn.
Theo khảo sát của phóng viên, trên các kênh bán hàng online trên facebook, zalo dòng thực phẩm chức năng được rao bán khá nhiều, giá cả đa dạng từ hàng trong nước đến hàng nhập khẩu, xách tay thu hút khá nhiều người quan tâm và mua. Cụ thể, một số mặt hàng như Viên ngậm vitamin C healthycare 500mg do Úc sản xuất có giá 450 - 590 nghìn/hộp, thuốc bổ phổi kobayashi dạng bột của Nhật có giá 600 - 780 nghìn/hộp, dòng collagen có xuất xứ Việt Nam có giá 450 – 500 nghìn/lọ, siro tăng đề kháng Brauer 100ml của Úc dành cho trẻ nhỏ 250 - 330 nghìn/lọ…
Theo trào lưu số đông và truyền tai nhau về những công dụng của các thực phẩm chức năng, các siro, vitamin tổng hợp… nhiều người chạy đua bằng được về dùng mà không thảm khảo ý kiến của các chuyên gia, các bác sĩ chuyên môn dễ gây ra một số hệ quả trước mắt không nhìn thấy được, nhưng về lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hoặc tác dụng phụ lên một số bộ phận trên cơ thể.
Cẩn trọng "tiền mất tật mang"
Chỉ cần truy cập vào các nhóm, cộng đồng trên facebook dễ dàng bắt gặp những trạng thái chia sẻ về hậu Covid-19, có nhiều tài khoản hỏi về các thực phẩm có tác dụng bổ phổi, thực phẩm hỗ trợ giảm đau xương khớp, tăng sức đề kháng…. nhu cầu cần thì nguồn cung đáp ứng. Từ đây, có nhiều tài khoản cũng rao bán các thực phẩm chức năng như vitamin c, thuốc bổ phổi, các dòng tinh dầu hỗ trợ sức khỏe… đặc biệt các dòng thực phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, hàng xách tay được chào bán tràn lan trên mạng.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Laser - Khu điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện 108 cho biết, thực chất vitamin cũng là thuốc nếu dùng đúng cách hiệu quả rất tốt, ngược lại dùng sai cách sẽ gây nhiều hậu quả khó lường.
Theo đó, nếu dùng quá liều một số thuốc như vitami A dễ gây đau đầu, buồn nôn, gây rối loạn phát triển xương ở trẻ nhỏ, và có thể gây quái thai ở phụ nữ mang thai. Hoặc dùng vitami B6 liều cao có thể dẫn tới suy giảm trí nhớ, viêm đa dây thần kinh.
Ngoài ra, việc sử dụng quá liều tinh dầu tỏi cũng gây khó chịu bao tử, nôn mửa, tiêu chảy… Còn đối với người uống sắt trong thời gian dài, cũng dễ gây ra tình trạng thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim.
Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh- Trường Đại học Y tế Công cộng, hiện nay có tình trạng sử dụng vitamin C để phòng tránh bệnh Covid-19, với tâm lý vitamin C có tác dụng tăng cường sức đề kháng cơ thể nên nhiều người đổ xô đi mua về dùng.
"Việc dùng vitamin C quá liều, rất dễ ảnh hưởng đến các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thậm chí có thể gây ra sỏi thận, viêm loét dạ dày, tiêu chảy...", Bác sĩ Tỉnh cho biết thêm.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu bệnh nhân sau khi điều trị khỏi Covid-19, từ 4 - 6 tuần có các triệu chứng ho, khó thở, tức ngực, tim đập nhanh… có dấu hiệu không hề giảm thì lúc đó nên đi khám hậu Covid-19 thay vì truyền tai nhau tìm mua các thực phẩm chức năng để bồi bổ cơ thể.
Điều quan trọng nhất đối với người bệnh sau khi điều trị khỏi Covid-19 là ăn đủ các dinh dưỡng chứ không phải bồi bổ quá mức. Đừng để tiền mất, tật mang, hệ lụy từ những thực phẩm chức năng này mang lại không phải ai cũng lường trước được.
Nguyễn Quế