Thống kê 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024), Việt Nam xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 1,5% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 833 nghìn tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng, nhưng tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính, tháng 5/2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 4.208 USD/tấn, tăng 11,7% so với tháng 4/2024 và tăng 63,6% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 833 nghìn tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng, nhưng tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. |
Trên thị trường thế giới, tháng 5/2024, giá cà phê Robusta và Arabica giảm so với cuối tháng 4/2024 do dự báo sản sản lượng cà phê của Brazil tăng. Thông tin từ Cooxupee cho biết, lượng thu hoạch của Brazil từ tháng 5/2024 đến tháng 7/2024 sẽ có sản lượng tăng khoảng 13,33%, xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng thêm khoảng 22,22% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng, thời tiết đang gây ra rất nhiều bất lợi cho vụ mùa, đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài và lượng mưa không đủ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cây trồng. Nhiều vùng trồng cà phê trọng điểm tại Tây Nguyên ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt về sản lượng so với các mùa trước.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng, từ giá phân bón, thuốc trừ sâu đến chi phí lao động, cũng góp phần làm giảm khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Giá thành cao khiến nhiều nông dân gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất ở mức bình thường.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ cà phê nội địa cũng đang tăng lên, làm giảm lượng cà phê dành cho xuất khẩu. Các chuyên gia dự báo rằng, nếu tình hình không có những cải thiện tích cực, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm đáng kể, gây ra những tác động không nhỏ đến nền kinh tế, đặc biệt là các khu vực phụ thuộc nhiều vào ngành này.
Giới chuyên gia dự đoán, lượng tồn kho còn lại rất ít và giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì mức cao. Trong khi đó, dự báo sản lượng cà phê niên vụ sắp tới tiếp tục giảm khoảng 20% do vừa qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt. Điều này gây ra nhiều vấn đề trong “cung – cầu”.
Trong bối cảnh này, các giải pháp như nâng cao hiệu quả sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước đang được đề xuất nhằm giảm thiểu tác động của việc giảm sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ phía Nhà nước để giúp nông dân đối phó với khó khăn.
Lê Hồng