Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong những ngày đầu tháng 4/2023, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa nhìn chung khá ổn định so với cuối tháng 3/2023. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023, vụ thu hoạch hạt tiêu của Việt Nam đã đạt khoảng 70% nên lượng hàng khá dồi dào. Các đại lý, thương lái bắt đầu thu mua hạt tiêu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Diễn biến giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa từ đầu năm 2022 đến nay. |
Cụ thể, giá tiêu hôm nay (17/4) nối dài chuỗi đi ngang tại thị trường trong nước. Hiện, mức giá cao nhất vẫn là 66.000 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt xấp xỉ 35,75 nghìn tấn, trị giá 106,47 triệu USD, tăng 27,6% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với tháng 2/2023; so với tháng 3/2022 tăng 50,6% về lượng, nhưng giảm 4,7% về trị giá.
Tính chung quý I/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt xấp xỉ 76,2 nghìn tấn, trị giá 233,45 triệu USD, giảm 6,0% về lượng và giảm 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo, hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ diễn ra sôi động hơn trong quý II/2023 nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ... bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Hoa Kỳ và EU.
Xuất khẩu tiêu tăng mạnh về lượng trong tháng 3/2023. |
Đáng chú ý, số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy lượng tiêu Việt Nam bán sang thị trường Trung Quốc trong tháng 3 đạt 15.710 tấn, tăng 85,2% so với tháng 2 và là mức cao nhất từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục xuất khẩu cao nhất thiết lập hồi tháng 4/2020 đạt 11.953 tấn.
Tính đến hết quý I năm nay, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc đạt 25.919 tấn, tăng hơn 12 lần so với 2.138 tấn của cùng kỳ và vượt xa con số 20.498 tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm 2022.
Những tín hiệu trên được xem là cơ hội để đẩy giá tiêu tăng mạnh trong quý II/2023. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, theo thông lệ, trong quý I, các doanh nghiệp sẽ lo trả nợ đơn hàng đã ký trong quý IV của năm ngoái, đồng thời ký tiếp các hợp đồng mới. Những hợp đồng này buộc phải giao trong quý II trở đi.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng chỉ ra yếu tố đáng lo nhất thời điểm hiện tại, đó chính là tác động của suy thoái kinh tế lên nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu.
"Môi trường kinh doanh năm 2023 được cho là không thuận lợi khi nền kinh tế đi xuống và căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, những biến động tại ngân hàng SVB hay Credit Suise thời gian quan đã ảnh hưởng dây chuyền hệ thống thanh toán quốc tế và khả năng tài chính, tín dụng của các công ty mua hàng", bà Liên cho biết.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, giá tiêu thế giới sẽ không có sự biến động mạnh, nguồn cung tiêu dồi dào, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số thị trường khác tăng bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và EU. Hiện các nhà nhập khẩu có dấu hiệu tăng cường mua hàng với những đơn hàng xa trong quý III và quý IV/2023, tuy nhiên, lượng giao dịch không nhiều.
Thy Lê