Sau hơn một tháng chương trình truy xuất nguồn gốc thịt được triển khai, ngày 18/1 vừa qua, chương trình “soi” rau củ quả sạch đã chính thức được triển khai tại nhiều siêu thị thuộc các hệ thống Saigon Co.op, Big C, Lotte, Aeon… Đây là thông tin đáng mừng cho người tiêu dùng (NTD) trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2017 đã cận kề, thực phẩm bẩn vẫn là nỗi ám ảnh.
Siêu thị nhộn nhịp
Theo thông tin từ các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Tp.HCM, sức mua các mặt hàng thực phẩm đang tăng khá mạnh. Đặc biệt, tại các chuỗi siêu thị triển khai chương trình truy xuất thịt, trứng, rau củ quả sạch bằng smartphone, dòng người đổ xô tới mua sắm ngày càng đông.
Những mặt hàng “nóng” nhất vẫn là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: thịt, trứng, rau củ, thực phẩm đã qua chế biến (chả, giò, xúc xích, cá đông lạnh…). Đơn cử như tại các siêu thị Co.op Mart, những gian hàng thịt, rau củ có tem truy xuất nguồn gốc luôn thu hút rất đông NTD.
Chị Phan Thị Thanh Hà (phường 7, quận Phú Nhuận, Tp.HCM), chia sẻ: “Nhà tôi gần Co.op Mart Rạch Miễu, kể từ khi thịt được dán tem truy xuất nguồn gốc, nơi đây luôn là địa chỉ quen thuộc của tôi. Khi nghe tin rau, củ, quả cũng đã có tem truy xuất, tôi phải tranh thủ đến ngay để kiểm chứng và thử nghiệm”.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Thành Nhân, cho biết: “Khách hàng đang tỏ ra rất hào hứng, ủng hộ chương trình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả. Đặc biệt, trong thời điểm giáp Tết, NTD sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Trong dịp Tết này, mỗi ngày Co.op Mart và các điểm bán của Saigon Co.op sẽ cung cấp 100 - 120 tấn rau, củ, quả có truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Được biết, để NTD có thể yên tâm với các chương trình truy xuất nguồn gốc, Sở NN&PTNT Tp.HCM đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, tiến hành lấy mẫu kiểm tra đột xuất, kiểm tra nhanh các lô hàng có dán tem truy xuất…
Chợ truyền thống đang "thất thế" trong cuộc cạnh tranh thị trường thực phẩm Tết
“Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát tại các siêu thị, chúng tôi cũng đang triển khai các biện pháp kiểm soát quy trình sản xuất rau sạch bền vững. Sắp tới, thành phố sẽ tiến hành số hóa vùng rau, tổ chức truy xuất vùng trồng rau bảo đảm quy trình sản xuất sạch…”, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tp.HCM, cho biết.
Bên cạnh lực hút từ chương trình truy xuất nguồn gốc, các chương trình khuyến mãi “khủng” cũng góp phần giúp siêu thị, cửa hàng tiện lợi “thắng thế” chợ truyền thống trên mặt trận thực phẩm.
Ngay từ đầu tháng 11/2016, nhiều chuỗi siêu thị đã tung ra các chương trình ưu đãi “khủng” giảm giá tới 20 - 50%, tặng quà tri ân, bốc thăm trúng thưởng… Các chương trình này tỏ ra rất hiệu quả trong việc thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Ảm đạm chợ truyền thống
Trái ngược với không khí tại siêu thị, sức mua tại các khu chợ truyền thống vẫn chưa thực sự đột biến. Dù đã hạ giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu từ 5 - 15%, song không khí tại các khu chợ lớn trên địa bàn Tp.HCM như Bến Thành, Gò Vấp, Thủ Đức, Bà Chiểu… vẫn khá ảm đạm.
Chị Lê Thị Thanh - tiểu thương chợ nông sản Thủ Đức, cho biết: “Vì lượng khách không tăng nên các tiểu thương đã chủ động giảm giá. Các loại rau và hàng nông sản hầu hết đều giảm ở mức 2.000 - 7.000 đồng/kg (hoặc sản phẩm). Nhưng đến nay, đã 23 tháng Chạp rồi, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều”.
Tại Hà Nội, sức mua tại các chợ cũng ở mức khá thấp so với kỳ vọng. Khảo sát tại các khu chợ lớn như Long Biên, Đồng Xuân, Nghĩa Tân, Cầu Diễn… giá các mặt hàng thiết yếu khá ổn định.
Điển hình như thịt bò thăn, mức giá từ 250.000 - 270.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, thịt gà ta từ 120.000 đồng/kg; các loại rau như: rau cải giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, su hào từ 4.000 - 5.000 đồng/củ, rau muống từ 3.000 - 5.000 đồng/mớ…
Chị Hoàng Ngọc Huyền - tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chia sẻ: “Nguồn cung thịt và rau củ năm nay nhiều hơn năm ngoái. Đặc biệt là thịt ở các địa phương đổ về trung tâm với khối lượng lớn. Năm nay, người dân đang có xu hướng chuộng mua thịt tại các siêu thị, cửa hàng để yên tâm về chất lượng, vì vậy, lượng khách đến chợ không đông như các năm, dù giá cả không tăng, thậm chí rẻ đi”.
Tuy nhiên, theo các tiểu thương, sức mua tại chợ truyền thống sẽ tăng mạnh sau 23 tháng Chạp (ngày ông Công ông Táo). Vì vậy, các chủ ki-ốt, sạp hàng vẫn đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm về chất lượng và giá cả để phục vụ khách hàng.
Rõ ràng, xu hướng ngả từ chợ dân sinh sang các siêu thị cho thấy văn hóa tiêu dùng của người dân đang tăng lên. Nhiều tiểu thương cũng hiểu được điều này và ủng hộ kế hoạch nhân rộng chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại chợ. Minh chứng là chỉ một thời gian ngắn sau khi phát động, 100% tiểu thương tại chợ Bình Điền (Tp.HCM) đã đăng ký tham gia chương trình.
Tại Hà Nội, dù chưa có kế hoạch triển khai, nhưng nhiều tiểu thương cũng tỏ ra đồng tình. Chị Nguyễn Thị Phương Nga - tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc tại chợ truyền thống. Việc này không chỉ tạo lợi ích cho người mua mà chính chúng tôi cũng lợi hơn, vừa kéo được khách hàng, vừa ổn định giá bán, lại bảo đảm chất lượng. Khách chỉ cần “soi” vào là biết chất lượng, đỡ phải mất công giải thích”.
Hiến Nguyễn