Với quan niệm dân gian cúng ông Công ông Táo có thể từ ngày 20 tháng trở ra và muộn nhất là trước 12 giờ trưa ngày 23/Tháng Chạp, năm nay, ngày 23 âm lịch rơi vào thứ hai đầu tuần, là ngày làm việc.
“Sốt” hàng chất liệu lóng lánh
Bác Thu - một tiểu thương kinh doanh hàng vàng mã, cho biết ngay từ những ngày sau rằm tháng Chạp, thị trường Tết ông Công ông Táo đã rậm rịch khởi động, với một vài khách hàng mua lẻ tẻ. Tuy nhiên, phải đến ngày 19 tháng Chạp, thị trường mới bắt đầu sôi động và đông nhất là trong 2 ngày 21 và 22.
Theo bác Thu, chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, bác đã bán được tới hơn một nửa lượng hàng trong kho (ngót nghét 300 bộ mũ áo hia hài ông Công ông Táo). Theo bác Thu, hàng hóa năm nay phong phú đa dạng, ngoài sản phẩm bình dân có giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng/bộ nhỏ, 40.000 - 45.000 đồng/bộ nhỡ, 60.000 - 70.000 đồng/bộ lớn, còn có sản phẩm được làm bằng giấy trang kim, màu sắc bóng đẹp, lóng lánh, rất bắt mắt.
Những bộ mũ áo này có giá tương đối cao, đắt gấp 2, 3 lần so với bộ bình thường. Chẳng hạn bộ nhỏ có giá 120.000 - 130.000 đồng/bộ, bộ nhỡ 150.000 - 160.000 đồng, bộ to 180.000 - 200.000 đồng. Giá cả tuy cao, nhưng được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Bác Thu cho biết cứ 10 khách mua hàng thì có tới 6 - 7 khách mua bộ mũ áo trang kim loại đẹp, loại bán chạy nhất là cỡ nhỏ.
Chị Hòa - nhân viên của một doanh nghiệp tư nhân, ở quận Cầu Giấy, cho biết: cả tuần có 2 ngày nghỉ nên chị tranh thủ sắm đồ, làm cơm cúng ông Táo. “Năm nay thị trường có bộ mũ áo ông Công ông Táo được làm bằng chất liệu mới rất đẹp. Tôi chọn mua bộ nhỏ giá 130.000 đồng, tuy hơi đắt nhưng quan trọng tôi thấy hài lòng về chất lượng”, chị Hòa chia sẻ.
Mặt hàng hương, nến, tiền vàng đi kèm cũng bán chạy. Theo bác Thu, giá cả của các loại hương, nến, tiền vàng thời điểm này giá bắt đầu nhỉnh hơn so với thường ngày khoảng 10 - 15%. Chẳng hạn một đinh tiền vàng, tiền xu ngày thường có giá 35.000 đồng, Tết được bán với giá 40.000 - 42.000 đồng. Tập tiền vàng cả tiền “đô la” loại đẹp ngày thường 9.000 - 10.000 đồng/tập, những ngày này giá 12.000 đồng/tập. Hương có giá khoảng 8.000 - 12.000 đồng/thẻ, tùy thương hiệu. Nến cốc 30.000 - 35.000 đồng/cặp loại nhỡ.
Một góc chợ bán cá chép đỏ ngày ông Táo
Tranh thủ “trục lợi” với cá chép
Nói đến thị trường Tết ông Công ông Táo, không thể thiếu những “ông” cá chép đỏ được bày bán ở các chợ lớn, chợ dân sinh. Quan niệm dân gian cho rằng cá chép được cúng sẽ hóa rồng và ông Táo sẽ cưỡi “rồng” về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng mọi chuyện trong năm. Chính vì vậy, ngoài cá chép giấy cúng được hóa đi cùng mũ áo, nhiều người còn mua cá chép sống, được đưa ra sông, hồ để thả. Mỗi người mỗi quan điểm, nhiều gia đình có trẻ nhỏ lại thích cúng cá chép vì muốn phóng sinh, đồng thời tạo niềm vui cho con trẻ.
Chị Hà - có cô con gái học lớp 2, đã vài năm rồi, năm nào chị cũng cúng cá chép sống, xong cho vào lọ và cùng cô con gái đi thả ở hồ gần nhà. Cô bé rất vui và luôn mong ngóng đến cuối năm để được cùng mẹ đi thả cá.
Chị Hà cho biết: “Cúng xong mình vừa phóng sinh cá, vừa dạy con biết yêu thương loài vật, yêu môi trường thiên nhiên, ý thức hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc. ”
Thị trường cá chép có hai loại. Loại nhỏ bằng hai ngón tay có giá 20.000 - 25.000 đồng/1 bộ 3 con. Loại to bằng 4 ngón tay chụm lại, giá 50.000 - 60.000 đồng/3 con. Tuy nhiên, có một vài chợ, tiểu thương bán đồng hạng cá to, nhỏ đều 50.000 đồng 3 con, tùy NTD lựa chọn. Theo tâm lý, nhiều người thích cá nhỏ hơn. Việc khách hàng chọn cá nhỏ đem lại mối lợi lớn cho các tiểu thương bán giá đồng hạng.
Theo nhiều chuyên gia văn hóa, việc cúng ông Công ông Táo to hay nhỏ không quan trọng, mà quan trọng nhất là tâm của mỗi người. Quá trình bỏ công sức đi mua sắm, nấu nướng dọn dẹp bát nhang, ban thờ… là đã chứng tỏ được lòng thành rồi. Tùy hoàn cảnh mà mỗi gia đình sắp xếp cách thể hiện lòng thành ra sao.
Các chuyên gia cũng lưu ý, việc hóa vàng mã dịp cuối năm nhiều món đồ nên các gia đình cần cẩn trọng tránh gây hỏa hoạn.
Thu Hường