Thị trường ôtô Việt Nam cuối năm 2017 chứng kiến tình cảnh khan hiếm các dòng xe NK và nhiều khả năng tình trạng “đói hàng” sẽ tiếp tục kéo dài sang cả quý I/2018, khi các hãng xe đang đồng loạt “án binh” do những tác động của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và bài toán lợi nhuận.
Xe nhập khẩu khó giảm thêm
Lý giải tình trạng hàng loạt hãng xe thông báo hủy đơn hàng trong quý I/2018, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh những rào cản từ Nghị định 116 là bài toán lợi nhuận khi thuế NK ôtô về 0% từ đầu năm 2018.
Cụ thể, từ 1/1/2018, thuế NK xe từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm về 0%, với điều kiện tỷ lệ nội địa hóa từ 40%. Vì vậy, nhiều hãng xe chủ động cắt đơn hàng, giảm NK xe trong 2 tháng cuối năm 2017 nhằm tránh khoản thuế 30% hiện hành.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco), thừa nhận: “Bản thân Thaco cũng không cớ gì phải NK xe từ cuối năm 2017 với mức thuế 30% để sang năm 2018 cạnh tranh giá với chính mình khi thuế về 0%. Đa số các DN hiện vẫn chào xe rồi nhận đặt hàng sau 1/1/2018”.
Những diễn biến thị trường cho thấy nhiều khả năng giá xe NK sẽ không thể giảm sâu, thậm chí đứng giá khi nguồn cung khan hiếm.
Những điều kiện siết NK xe tại Nghị định 116 sẽ khiến dòng xe giá rẻ từ ASEAN khó tràn vào Việt Nam, với các dòng xe ngoài ASEAN càng khó giảm khi thuế NK vẫn ở mức 51 – 70%.
Theo các đại lý ôtô, việc khan hiếm xe NK là khó tránh khỏi, bởi thông thường từ lúc đặt hàng đến khi giao xe mất khoảng 3 – 4 tháng với xe từ ASEAN, 5 tháng với xe từ các nước ngoài ASEAN. Vì vậy, nếu NK trở lại vào tháng 3 thì phải đến giữa năm mới có xe bán.
Mặt khác, cuộc chiến giảm giá kéo dài suốt nhiều tháng qua là do các hãng xe chạy đua “xả” hàng tồn (mẫu cũ), tránh nguy cơ lỗ nặng khi xe nhập chịu thuế 0% tràn vào. Và thực tế, các DN đã giảm giá tương đương mức giá khi tính thuế NK 0%, rất khó giảm sâu hơn.
Điển hình, từ tháng 11/2017, nhiều hãng ôtô tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng bảng giá năm 2018 cho hàng loạt mẫu xe như Toyota, Ford, Thaco, Hyundai Thành Công… Mức giá mới cũng chỉ giảm nhẹ vài chục triệu đồng với các dòng xe “hot”.
Khi các dòng xe NK gặp trở ngại, cơ hội sẽ mở ra với các hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Cơ hội nhân đôi sau khi Nghị định 125 của Chính phủ có hiệu lực, thuế suất thuế NK linh kiện, phụ tùng ôtô từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống 0% từ năm 2018.
![]() |
Thị trường ôtô 2018: Cơ hội cho “ông lớn”, người tiêu dùng được gì?
“Đại gia” trong nước hưởng lợi?
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đánh giá với chính sách bảo vệ thị trường trong nước, các DN lớn như Thaco, Hyundai Thành Công hay Vinfast, với điều kiện hạ tầng, tiềm lực mạnh sẽ có nhiều cơ hội hơn.
“Trong sản xuất, nội địa hóa càng cao thì giá thành càng rẻ. Giá xe đến tay NTD được cấu thành từ 2 yếu tố: giá thành sản xuất và các loại thuế, phí. Với việc ưu đãi về thuế, các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có ưu thế về giá so với xe NK”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, các “đại gia” xe trong nước đang hưởng lợi ích “kép”, vừa có lợi thế trong NK (vì các DN nhỏ bị loại bỏ bởi Nghị định 116), vừa hưởng lợi từ thị trường xe lắp ráp, vì trong lắp ráp, giá trị tạo ra từ linh kiện nội địa hóa, công lao động, khấu hao máy móc, nhà xưởng… DN nào sử dụng càng nhiều linh kiện trong nước, đầu tư máy móc hiện đại càng có lợi.
Cơ hội cho các DN ôtô trong nước đã rõ, nhưng lợi ích cho NTD có thể sẽ không như kỳ vọng. Trước hết, về xe NK, tình trạng khan hàng và những tác động của Nghị định 116 có thể khiến giấc mơ xe giá rẻ (từ ASEAN) ngay đầu năm 2018 tan biến.
Về xe lắp ráp, dù được cho là còn dư địa giảm giá, song theo đánh giá của giới chuyên gia, mức giảm sẽ chỉ “nhỏ giọt”. Việc thuế NK linh kiện về 0% kỳ vọng sẽ giúp giá xe giảm mạnh, tuy nhiên với tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá xe lắp ráp có thể sẽ không rẻ như mong muốn.
Đơn cử, dòng xe Toyota Vios được dự báo giá bán từ năm 2018 giảm 10 – 15%, tương đương 60 – 90 triệu đồng. Thực tế, giá bán các phiên bản Vios 2017 hiện nay đã rẻ hơn giá niêm yết 50 – 60 triệu đồng. Rõ ràng, mức giảm dự kiến từ năm 2018 không đáng kể.
Vẫn đang có những tranh cãi trái chiều về Nghị định 116, khi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị Chính phủ tạm hoãn nghị định này ít nhất 6 tháng, còn các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước lại ủng hộ tối đa.
Tất cả đều được viện lý do “vì NTD”, song NTD được lợi hay không vẫn cần thời gian để trả lời. Chỉ một điều chắc chắn, nếu hạn chế xe NK giá rẻ trong khi giá xe lắp ráp không giảm đúng như kỳ vọng, thì lợi ích sẽ chảy vào túi các hãng sản xuất, lắp ráp xe trong nước thay vì NTD.
Văn Nguyễn