Giá lúa gạo: quay đầu giảm
Sau nhiều ngày tăng và neo ở mức cao, giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày 27/8 quay đầu giảm từ 50 - 150 đồng/kg do nhu cầu thu mua sụt giảm, thị trường giao dịch chậm.
Giá lúa gạo quay đầu giảm từ 50 - 150 đồng/kg do nhu cầu thu mua sụt giảm, thị trường giao dịch chậm. |
Lúa tươi Jasmine đang được thu mua ở mức 6.300 đồng/kg; giá lúa IR 504 là 6.000 đồng/kg; lúa OM 9577 và OM 9582 có giá 6.100 đồng/kg; lúa OM 6976 được thu mua ở mức 6.000 đồng/kg; Đài thơm 8 có giá 6.300 đồng/kg; giá lúa Nàng hoa là 9 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá 6.100 đồng/kg.
Giá các loại gạo ngày 27/8 quay đầu giảm ở mức 50 - 150 đồng/kg. Cụ thể, giá gạo NL IR 504 ở mức 9.000 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg; giá gạo NL OM 5451 là 9.150 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo OM 18 có giá 9.500 đồng/kg; giá gạo ĐT 8 ở mức 9.600 đồngkg.
Giá các loại gạo thành phẩm cũng giảm trung bình 100 đồng/kg, như: gạo TP IR 504 được thu mua ở mức 10.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo OM 5451 ở mức 10.400 đồng/kg.
Các thương lái tại Đồng Tháp, An Giang cho biết, thị trường lúa gạo ngày 27/8 chững lại, nhu cầu mua từ các kho tiếp tục giảm, giao dịch ảm đạm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đều chủ trương giãn thời gian giao hàng các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký. Nguồn cung gạo nguyên liệu cho xay xát hiện vẫn đang rất hạn chế. Trước tình hình này, nhiều nông dân đã chấp nhận bán lúa với mức giá thấp hơn từ 50 - 100 đồng/kg.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 27/8 giữ ổn định ở mức 488 - 492 USD/tấn. Với mặt hàng gạo thơm, một số doanh nghiệp còn xuất khẩu được với mức giá 1.000 USD/tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, nhu cầu gạo tại nhiều quốc gia tăng do ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai... Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36,9% thị phần.
Giá hồ tiêu: giảm nhẹ 500 đồng/kg
Giá hồ tiêu ngày 27/8 tại Tây Nguyên và miền Nam dao động 47.000 - 50.000 đồng/kg, có xu hướng giảm nhẹ tại một số địa phương.
Tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 48.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai và Đồng Nai, giá tiêu ở mức 47.000 - 47.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu được thu mua ở mức 50.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu được thu mua với mức 48.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Theo thống kê sơ bộ, giá hồ tiêu tháng 8/2020 trong nước đang có xu hướng tăng lên và cán mốc 50.000 đồng/kg sau chuỗi ngày giảm mạnh xuống còn 46.000 - 47.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) chốt ở mức 33.783 Rupee/tạ, giảm 116,65 Rupee/tạ (0,34%); giá giao tháng 8/2020 tăng 400 Rupee/tạ (1,18%), lên mức 34.200 Rupee/tạ.
Giá cà phê: tăng nhẹ 100 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá cà phê nhân xô nguyên liệu tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên đầu giờ sáng 27/8 tiếp tục tăng trung bình 100 đồng/kg so với cuối phiên giao dịch chiều 26/8, dao động 33.200 - 33.800 đồng/kg theo giá cà phê Robusta tại London.
Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng theo đà chung của thị trường thế giới. |
Tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), giá cà phê được thu mua với mức 33.300 đồng/kg, tại huyện Bảo Lộc và Lâm Hà ở mức 33.300 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê được thu mua với mức 33.700 đồng/kg, tại huyện Ea H'leo và Buôn Hồ ở mức 33.800 đồng/kg, tăng nhẹ 200 - 300 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê được thu mua với mức 33.500 đồng/kg (Gia Nghĩa), 33.600 đồng/kg (Đắk R'lấp).
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê được thu mua với mức 33.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 33.400 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum, giá cà phê được thu mua với mức 33.300 đồng/kg.
Trong phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tại 2 sàn giao dịch trên thế giới biến động đảo chiều. Theo đó, giá cà phê Robusta tại London tăng 9 USD/tấn (0,6%) giao tháng 9/2020 giao dịch ở mức 1.521 USD/tấn, giao tháng 11/2020 tăng 6 USD ở mức 1.427. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 giảm 0,85 cent/lb (0,69%) giao dịch ở mức 122.1 cent/lb, giao tháng 9/2020 giảm 2,4 cent/lb (0,32%) xuống mức 122.8 cent/lb.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu bớt khi có thông tin Trung Quốc mua một lượng lớn nông sản của Mỹ, giúp thị trường hàng hóa tăng vọt trở lại.
Giá lợn hơi: tiếp tục chiều hướng giảm
Giá lợn hơi ngày 27/8 đồng loạt giảm trên cả nước, dao động trong khoảng từ 78.000 - 85.000 đồng/kg. Với sức mua như hiện nay, giá lợn hơi được dự báo có thể sẽ còn giảm.
Theo đó, giá lợn hơi ngày 27/8 tại miền Bắc tiếp tục giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua, dao động trong khoảng từ 80.000 - 84.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thái Nguyên và Nam Định, giá lợn hơi báo giảm 3.000 đồng/kg xuống 82.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Yên Bái, Ninh Bình và Bắc Giang, giá lợn hơi đồng loạt giảm 2.000 đồng/kg, xuống lần lượt ở mức 82.000 đồng/kg, 83.000 đồng/kg và 84.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội và Tuyên Quang, giá lợn giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, xuống mức 81.000 đồng/kg.
Tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hà Nam, Thái Bình và Hưng Yên, giá lợn không thay đổi, được thu mua từ 80.000 - 83.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lợn hơi ngày 27/8 tại miền Trung - Tây Nguyên có nơi giảm tới 4.000 đồng/kg, dao động trong khoảng từ 79.000 - 85.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thanh Hóa, giá lợn hơi giảm mạnh 4.000 đồng/kg, xuống mức 82.000 đồng/kg.
Tại Quảng Bình, giá lợn hơi báo giảm 3.000 dồng/kg, xuống mức 82.000 đồng/kg.
Tại Nghệ An, giá lợn hơi giảm ít hơn: 2.000 đồng/kg, xuống 83.000 đồng/kg.
Tại Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Lâm Đồng, giá lợn hơi đều giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, xuống 84.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại tỉnh Quảng Bình cũng giảm 1.000 đồng/kg, xuống 83.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại các địa phương còn lại không thay đổi. Tại Đắk Lắk, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận, giá lợn hơi dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, giá lợn hơi ở mức 79.000 đồng/kg, là địa phương có giá thấp nhất toàn miền.
Đáng chú ý, giá lợn hơi ngày 27/8 tại miền Nam giảm trên diện rộng, dao động trong khoảng từ 78.000 - 85.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Cà Mau, giá lợn hơi giảm 4.000 đồng/kg, xuống mức 81.000 đồng/kg.
Tại Đồng Tháp và TP.HCM, giá lợn hơi đồng loạt giảm 3.000 đồng/kg, xuống mức 80.000 đồng/kg và 83.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, Kiên Giang, Vũng Tàu, Long An và Sóc Trăng, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg xuống dao động ở mức 82.000 - 84.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bạc Liêu và Cần Thơ, giá lợn hơi cũng giảm 2.000 đồng/kg, xuống mức 78.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg.
Tại các địa phương như Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, giá lợn hơi đi ngang, đang được thu mua từ mức 80.000 - 85.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, có 3 nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi giảm sâu trong tuần gần đây. Thứ nhất là do tháng 7 âm lịch, thương lái giảm thu mua lợn, người dân ăn chay nhiều, lượng tiêu thụ thịt lợn giảm. Thứ hai là do dịch Covid-19 quay trở lại ảnh hưởng đến sức mua, trong khi nguồn cung lợn tăng hơn so với các tháng trước. Thứ ba là do lượng lợn Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam ngày càng nhiều, đồng thời các công ty chăn nuôi có thị phần lớn phát triển đàn rất nhanh.
Đ.N