Đầu tiên, phải nói ngay về mặt thị trường, rau quả Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ cạnh tranh trên sân chơi quốc tế như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador... Do đó, doanh nghiệp và nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật...
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cho hay, Việt Nam xuất khẩu rau, quả đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ kinh nghiệm xuất khẩu, ông Tùng cho hay, nhu cầu của các thị trường quốc tế rất lớn về khối lượng và đa dạng về các loại rau quả có nguồn gốc của Việt Nam. Ví dụ: Trung Quốc nhập sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, vải… Hoa Kỳ nhập dưa bao tử, thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa…
Nhu cầu tiêu thụ rau quả có nguồn gốc của Việt Nam từ thị trường quốc tế còn rất lớn. |
Tuy nhiên, theo vị đại diện Doveco, hiện nay, ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, khó khăn áp dụng công nghệ, thiếu vốn và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh, hệ thống bảo quản đạt chuẩn còn yếu…
“Các nước nhập khẩu rau, quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Do đó, Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, HACCP-SGS”… Phó Tổng Giám đốc Doveco bày tỏ.
Nói thêm về câu chuyện xuất khẩu rau quả, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu ví dụ từ thị trường Trung Quốc. Ông đánh giá đây đã và đang là thị trường xuất khẩu số một của cây ăn quả Việt Nam.
Tuy nhiên, một số mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt...
“Vấn đề lớn nhất trong xuất khẩu rau, quả sang Trung Quốc, là hai bên chưa thống nhất được các quy trình kiểm dịch, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tái ký Nghị định thư, cũng như còn chịu tần suất kiểm tra rất cao”, ông Lê Thanh Hòa lưu ý.
Tương tự, ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT), thông tin, có 6 thị trường chính đã mở cửa cho cây ăn quả Việt Nam, nhiều nhất là Trung Quốc, kế đó là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các nước nhập khẩu rau quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP...
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023… Dự kiến cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD.
Sản phẩm phải hoàn toàn sạch bệnh, không chứa các loại sinh vật gây hại nguy hiểm như sâu bệnh, nấm, vi khuẩn... Đặc biệt, mỗi thị trường nhập khẩu lại có danh mục sinh vật gây hại cấm riêng. Ví dụ, Hoa Kỳ nghiêm cấm ruồi đục quả, sâu đục quả trên bưởi, còn New Zealand lại thêm vào danh sách các loại côn trùng như rầy chổng cánh, rệp sáp...
Còn với thị trường Mỹ, bà Alexis M. Taylor, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Nông nghiệp đối ngoại của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Mỹ thì điều đầu tiên là cần có mặt ở đó để tìm hiểu người tiêu dùng đang mong chờ, kỳ vọng gì…
Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, hàng nông sản giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam có nhiều điểm có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt là trái cây Việt Nam có nhiều loại không tìm thấy ở Mỹ, vì vậy, còn nhiều dư địa để khai thác. Tại Mỹ có cộng đồng người Việt Nam khá lớn, do đó, doanh nghiệp nên chọn một khu vực, một bang hay cộng đồng nào đó nhất định để thâm nhập...
“Do yêu cầu kiểm dịch của mỗi quốc gia là khác nhau, các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật liên tục thông tin về các quy định này để tránh rủi ro bị từ chối nhập khẩu” - bà Alexis M. Taylor nói thêm.
Ông Lê Thanh Hòa nói thêm rằng, ngay từ khâu trồng trọt, người sản xuất trong nước cần chú trọng hướng đến những sản phẩm đặc sản, đặc trưng và độc đáo để tăng tính cạnh tranh tại nước bạn. Cùng với đó, người sản xuất nên chú ý đến mức dư lượng bảo vệ thực vật, vệ sinh, an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Bên cạnh những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc... ông Hòa cho rằng các doanh nghiệp nên khai thác triệt để lợi thế từ những thị trường lớn mà Việt Nam đã ký FTA.
Hồng Hương