Giám đốc Maketting của Vina Acecook, ông Kagoshima Shigeto, cho hay: “Những thông tin tiêu cực về mì ăn liền như thiếu dinh dưỡng, chứa chất độc hại, gây ung thư, hay ăn mì gói phải trần qua nước sôi 2, 3 lần… là “cú sốc” cho các doanh nghiệp (DN) mì gói”.
“Ông lớn” đổi chiến thuật
Tiêu thụ sụt giảm khiến thị trường mì gói Việt Nam, vốn đã bão hòa, nay càng trở nên khốc liệt. Việt Nam hiện có hơn 50 DN trong lĩnh vực mì ăn liền. Vina Acecook, Masan Consumer và Asian Foods là 3 “ông lớn” dẫn đầu thị trường, chiếm xấp xỉ 70% thị phần.
Dù đang nắm giữ khoảng 50% thị phần nhưng Acecook hiện tại gặp nhiều khó khăn. Doanh thu liên tục giảm, từ 10.000 tỷ đồng năm 2013 xuống còn khoảng 9.000 tỷ đồng trong 2 năm 2014, 2015 và tiếp tục “đi ngang” trong năm 2016.
Lợi nhuận từ mì gói của Masan trong năm 2016 cũng sụt giảm không hề nhẹ. So với năm 2015, Masan đánh mất 1% thị phần (còn 24%), doanh thu giảm 11%, đạt xấp xỉ 3.700 tỷ đồng.
Sức ép cạnh tranh buộc các “ông lớn” phải thay đổi chiến lược để giành và giữ thị phần. Giá rẻ không còn là yếu tố phân định thị trường nên các DN mì gói đang chuyển hướng sang chất lượng.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan, chia sẻ: “Cạnh tranh ngày càng gay gắt, cuộc đua về giá không còn đem lại hiệu quả cao trong những năm qua. Do đó, Masan đang chuyển hướng đầu tư mạnh hơn cho các sản phẩm cao cấp hơn”.
Năm 2016, Masan tung ra thị trường dòng sản phẩm mì gói và mì ly có rau và thịt, với giá bán khoảng 8.000 - 15.000 đồng/gói (ly). Tiêu biểu là sản phẩm mì ly Cung Đình với định vị dành cho phân khúc cao cấp, mức giá khoảng 15.000 đồng/ly.
Acecook cũng gia tăng các sản phẩm mì cao cấp có rau, thịt, đồng thời gia tăng các sản phẩm ăn liền từ gạo như phở, bún, miến (chiếm khoảng 25 - 32% cơ cấu tỷ lệ nguồn cung sản phẩm ra thị trường).
Không nằm ngoài dòng chảy chung, Asia Foods có mì ly VIP Gấu Đỏ và mì ly Shangha. Vifon có Ngon - Ngon, mì ly bổ sung yến mạch. Nissin Foods cũng tung ra sản phẩm mì ly Cup Noodles. Colusa Miliket có mì ly, mì tô với giá bán 6.000 - 7.000 đồng/sản phẩm….
Ông Junichi Kajiwara - Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam, khẳng định việc chuyển hướng sang các dòng sản phẩm cao cấp là xu thế tất yếu khi người dân có thu nhập cao hơn, yêu cầu về chất lượng và giá trị dinh dưỡng sẽ tăng. Thực tế hiện nay, tại nhiều cửa hàng ở Tp.HCM, mì ly đang bán chạy hơn mì gói.
![]() |
Sau khi “lập đỉnh” 5,2 tỷ gói năm 2013, lượng tiêu thụ mì gói tại Việt Nam liên tục sụt giảm, còn 5 tỷ gói năm 2014 xuống 4,8 tỷ gói năm 2015 và khoảng 4,9 tỷ gói năm 2016.
Cơ hội cho người đến sau
Cạnh tranh khốc liệt, dư địa thị trường bị thu hẹp, nhưng theo các chuyên gia, thị trường mì gói tại Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Nếu có chiến lược khôn ngoan, các DN “tân binh” vẫn còn cơ hội để bứt phá.
Sự lớn mạnh của “tân binh” Uniben Foods với thương hiệu mì 3 Miền (Gold) là minh chứng. Năm 2014, Uniben mới chỉ chiếm khoảng 17,7% thị phần mì gói tại nông thôn, kém xa so với con số 30,3% của Acecook và 27,3% của Masan.
Nhưng sau 2 năm, với những chiến lược táo bạo, đến năm 2016, Uniben tuy không thể “soán ngôi” Acecook, nhưng đã đánh bật Masan để chiếm vị trí thứ hai tại thị trường nông thôn - thị trường chiếm 80% sản lượng tiêu thụ mì gói.
Trước Uniben, Masan thực tế cũng là “người đến sau”. Nhưng với những chiến lược thông minh, DN này đã có các bước tiến rất nhanh để nắm giữ gần _ thị phần. Hai sản phẩm tiêu biểu giúp Masan “lên đời” là mì khoai tây Omachi ở phân khúc cao cấp và Kokomi ở phân khúc bình dân.
Cơ hội vẫn còn, song nếu không có hướng đi hợp lý, ngay cả những DN có tiềm lực tài chính hùng mạnh cũng khó giành được thắng lợi.
Điển hình như Kido, năm 2016, mì gói chỉ chiếm khoảng 3% cơ cấu doanh thu của Kido (chưa có lãi). Thậm chí, Kido còn buộc phải rút sản phẩm mì Đại Gia Đình khỏi thị trường do kết quả kinh doanh không tốt.
Một “lão tướng” ngành mì là Colusa Miliket, từng giữ vị thế “vua mì” khi chiếm 90% thị phần tại Việt Nam (những năm 90, thế kỉ XX), hiện tại cũng phải chịu cảnh “sống mòn” với khoảng 3 - 4% thị phần và liên tục sụt giảm doanh thu kể từ năm 2010. Năm 2016, doanh thu của Miliket đạt 458 tỷ đồng (giảm 4%), lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng (sụt giảm 39% so với năm 2015).
Với lợi thế sở hữu lượng tiền mặt lớn và ổn định, tới 122,3 tỷ đồng (chiếm hơn 60% lượng tài sản), Miliket vẫn có thể duy trì sức ảnh hưởng và tìm cơ hội bứt lên. Tuy nhiên, nếu không nhanh có những chiến lược dài hơi, Miliket sẽ mất dần thị phần, bởi khi thị trường “mở cửa”, đứng yên đồng nghĩa với “tự sát”.
Theo các chuyên gia, truyền thông chính là “vũ khí” sắc bén nhất trong “cuộc chiến” giành thị phần mì gói hiện nay. Đại diện Marketing của Uniben từng chia sẻ, quảng cáo chiếm tới 60% chi phí marketing và bán hàng của công ty và chi phí này phải tăng theo thời gian nếu muốn chiếm được thị phần.
Chuyên gia marketing Hoàng Tùng nhận định: “Thị trường càng cạnh tranh, các DN càng bám mạnh vào kênh truyền thông để đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng. Cạnh tranh càng gay gắt, DN càng phải chuyên nghiệp hơn trong chiến lược sản phẩm và marketing mới có thể trụ vững”.
Hiến Nguyễn