Công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn là lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần nhiều nhất |
Trong ấn phẩm: Thương vụ thời Covid-19 - Những điểm đáng chú ý, các chuyên gia PwC đưa ra đánh giá, Việt Nam được biết đến như một môi trường đầu tư an toàn, ổn định từ trước khi đại dịch xảy ra và ngay cả trong giai đoạn đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đây là vị thế thuận lợi cho những tiến triển tích cực ở thị trường mua bán sáp nhập (M&A) giai đoạn hậu Covid-19.
M&A sôi động sau dịch
Ghi nhận đến cuối tháng 6/2020 cho thấy, hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra khá sôi động, tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, các thương vụ M&A trong năm nay sẽ ở quy mô vừa và nhỏ, phải đến năm 2021, thị trường mới chứng kiến nhiều thành quả hơn.
Chẳng hạn, Tập đoàn Mitsubishi và Nomura Real Estate công bố mua 80% cổ phần giai đoạn 2 của dự án Vinhomes Grand Park của Vinhomes (VHM) tại quận 9, TPHCM. Tập đoàn Stark Corporation và Super Energy Corporation (đều của Thái Lan) cũng đã lần lượt hoàn tất mua 100% cổ phần của CTCP Cáp điện Thịnh Phát và 4 dự án nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước.
Hay như một số ngân hàng thương mại cho biết đang đàm phán với đối tác để bán cổ phần các công ty tài chính. Đơn cử như SHB đang trong quá trình đàm phán bán cổ phần tại công ty tài chính tiêu dùng SHBFC; VPBank cũng lên kế hoạch bán cổ phần FE Credit cho các nhà đầu tư...
Ông Đặng Xuân Minh, đại diện Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán doanh nghiệp (CMAC), đồng sáng lập Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, làn sóng dịch chuyển đầu tư mới vào Việt Nam nếu diễn ra thì rất tốt cho kinh tế Việt Nam nói chung và các hoạt động đầu tư gián tiếp nói riêng. Các hoạt động đầu tư gián tiếp, đầu tư chiến lược cũng có thể gia tăng như là hệ quả của làn sóng đầu tư trực tiếp.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn muốn bán mình, nhưng bản thân các doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn nên phải dành nguồn lực để tái cấu trúc doanh nghiệp.
"Vì vậy, tôi cho rằng, nửa cuối năm vẫn xuất hiện các thương vụ M&A nhưng ở quy mô vừa và nhỏ. Những lĩnh vực được dự báo tiếp tục thu hút vốn là bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng", ông Minh nói.
Các chuyên gia đánh giá, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động ở quy mô chưa từng có đối với nền kinh tế thế giới, khiến tình hình M&A thay đổi nhanh chóng, và làm nảy sinh những cân nhắc mới về thương vụ mà các bên liên quan cần lưu ý.
Cú sốc toàn cầu khi đại dịch bùng phát đã khiến các doanh nghiệp gác lại các khoản đầu tư lớn, song song với đó những biện pháp kiểm soát được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã đóng băng các hoạt động thương vụ trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, sau giai đoạn này, nhu cầu thoái vốn và cân đối lại tài chính ở nhiều doanh nghiệp sẽ mở ra các cơ hội mới.
Sẽ có nhiều thay đổi
Phân tích của PwC về những hoạt động M&A diễn ra trong cuộc suy thoái trước cho thấy, các doanh nghiệp có khả năng thực hiện thương vụ trong bối cảnh đầy biến động có thể phát triển vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Khi các công ty, quỹ đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại chiến lược và danh mục đầu tư, nhu cầu thị trường sẽ quay trở lại, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp muốn cắt giảm đầu tư ngoài ngành để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc sẽ có lợi thế khi nhanh nhạy nắm bắt thị trường ở thời điểm này.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch lên thị trường thương vụ sẽ gắn với các đặc thù riêng của các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh doanh, và tình hình của từng quốc gia. Từ cả hai phía bên mua và bên bán cần nhận thức rằng những quan điểm truyền thống về thị trường giờ đây có thể không còn thích hợp trong trạng thái bình thường mới.
Giữa tình hình nền kinh tế thế giới đang chứng kiến nhiều gián đoạn, kết quả từ khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu, do PwC thực hiện vào tháng 6 vừa qua cho thấy quan điểm của các doanh nghiệp về M&A vẫn ở mức ổn định. 85% lãnh đạo tài chính cho biết các công ty không thay đổi chiến lược M&A dưới tác động của đại dịch Covid-19.
"Trong bối cảnh Việt Nam, quốc gia được biết đến như một môi trường đầu tư an toàn, ổn định từ trước khi đại dịch xảy ra và ngay cả trong giai đoạn đại dịch đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu - đây sẽ là vị thế thuận lợi cho những tiến triển tích cực ở thị trường mua bán sáp nhập giai đoạn hậu Covid-19", PwC đánh giá.
Nhận định về vấn đề này, ông Ong Tiong Hooi, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương vụ - Thẩm định giá giao dịch của PwC Việt Nam cho biết: Chúng tôi nhận thấy vẫn có nhu cầu tiềm năng đối với các hoạt động giao dịch M&A doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, không ngạc nhiên khi thấy các công ty trong nước đang nắm thế chủ động ở vai trò người mua.
“Với triển vọng kinh tế Việt Nam có dấu hiệu hồi phục, cùng với hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, giai đoạn 6 tới 12 tháng tiếp theo sẽ có nhiều chuyển biến đáng theo dõi khi các doanh nghiệp dần ổn định trong trạng thái bình thường mới”, ông Tiong Hooi chia sẻ.
Dẫu vậy, PwC khuyến cáo, bức tranh thị trường M&A sẽ tiếp tục biến đổi và những phương pháp định giá thị trường được xây dựng từ các mô hình quen thuộc có thể sẽ không còn phù hợp. Các dự báo phục hồi và tăng trưởng của các ngành kinh tế và lĩnh vực kinh doanh khác nhau cũng sẽ có những đặc điểm và phương hướng đặc thù.
Vì vậy, các công ty đang tiếp cận đầu tư hay thoái vốn trong giai đoạn "bình thường mới" sau Covid-19 cần cân nhắc 8 yếu tố, bao gồm: Các nhân tố tạo ra giá trị, dữ liệu cho việc đưa ra quyết định, thay đổi các điều kiện của thị trường, sự gia tăng của các xu hướng, yếu tố sức khoẻ của doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng, định vị cho sự tăng trưởng và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Thanh Hoa