EAEU bao gồm 5 nước thành viên: Cộng hòa Armenia, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Kygystan và Liên bang Nga, với tổng dân số 182 triệu người, GDP năm 2014 đạt 2.193 tỷ USD, tổng kim ngạch XNK là 900 tỷ USD.
Cắt giảm thuế về 0%
Trong giai đoạn 2009 - 2014, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EAEU tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm, với kim ngạch XNK song phương đạt 4,2 tỷ USD. Đây là con số gần như không đáng kể so với tổng kim ngạch XNK của Việt Nam là 300 tỷ USD và EAEU là 900 tỷ USD. Vì vậy, dư địa XK đối với các DN của cả hai bên là vẫn còn rất lớn.
FTA Việt Nam - EAEU được ký kết vào tháng 5/2015, kỳ vọng sẽ thúc đẩy XK của Việt Nam sang các nước EAEU tăng khoảng 18 - 20%/năm. Mục tiêu đến năm 2018, kim ngạch thương mại hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD. Đây là cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam đẩy mạnh XK các sản phẩm thế mạnh như dệt may, nông - thủy sản, giày dép... Việc Việt Nam là đối tác châu Á đầu tiên ký FTA với EAEU sẽ tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường Liên minh sớm hơn các đối tác khác, với các điều kiện ưu đãi hơn và là cầu nối để Việt Nam mở rộng thị trường XNK sang các nước Đông Âu.
Với cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam, FTA sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của EAEU đang XK sang Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để các hàng hóa mới khác của EAEU thâm nhập thị trường Việt Nam. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, gần 90% dòng thuế của hai bên sẽ được cắt giảm về 0%, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương hiện nay.
Nhiều mặt hàng thế mạnh của EAEU sẽ được hưởng lợi từ FTA, bao gồm: sữa - mức thuế sẽ giảm từ 20% xuống 0%, phân Kali - mức thuế sẽ giảm từ 6% xuống 0%, xăng dầu - mức thuế của sản phẩm từ 19% xuống 0% đến năm 2017, ôtô - mức thuế giảm từ 17% xuống 0% theo lộ trình 10 năm, thịt gia cầm - mức thuế sẽ giảm từ 20% xuống 0% theo lộ trình 5 năm...
![]() |
Cơ hội đối với DN Việt nhiều, dư địa XK lớn, nhưng nếu hàng hóa của ta không vượt qua được những rào cản "phi thuế quan", thì dù hàng rào thuế quan có hạ hết xuống vẫn không ai có thể "vào được".
Những rào cản “phi thuế quan”
Đối với các nhóm hàng quan trọng của Việt Nam, mức cam kết của EAEU như sau: thủy sản - 95% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế NK theo lộ trình 10 năm, trong đó có 71% số dòng ngay khi FTA có hiệu lực; sản phẩm dệt may - 95 số dòng thuế sẽ được giảm và xóa bỏ thuế NK, trong đó 42% số dòng thuế sẽ được giảm về 0% theo lộ trình 10 năm; sản phẩm giày dép - 77% số dòng thuế sẽ được cắt giảm và xóa bỏ thuế NK, trong đó 73% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5 năm.
Việc hoàn thành ký kết FTA Việt Nam - EAEU với những cam kết xóa bỏ thuế XNK đối với một số loại hàng hóa về 0% ngay lập tức khi Hiệp định có hiệu lực và lộ trình gỡ bỏ thuế quan dần dần theo lộ trình từ 5 - 10 năm sẽ mở ra những cơ hội lớn đối với DN của cả hai bên, trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, tăng cường XNK.
Bên cạnh đó, FTA cũng quy định các điều khoản về hợp tác trong các lĩnh vực, như phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, hợp tác hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và kiểm dịch động thực vật (SPS), bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, thương mại dịch vụ...
Tuy vậy, nhiều chuyên gia tại diễn đàn nhận định, rằng phía các DN Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, so với phía các DN đến từ EAEU. Những khó khăn của DN Việt đến từ các lý do “phi thuế quan” khác như: năng lực cạnh tranh, ngoại ngữ, thanh toán, bảo đảm VSATTP, thủ tục hành chính hàng rào kỹ thuật, vận tải...
Việc bảo đảm VSATTP thực sự là điều rất đang lo ngại từ phía Việt Nam, khi EAEU là thị trường có yêu cầu cao về vệ sinh, chất lượng hàng hóa. Vì vậy, để khai thác thành công thị trường nay, hàng XK Việt nam phải đạt trình độ kỹ thuật phù hợp.
Ông Dương Hoàng Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị Trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho biết: “Để có thể thụ hưởng một cách hiệu quả các ưu đãi, đồng thời chuẩn bị kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh để phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan của hai bên, các DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của Hiệp định; khảo sát kỹ lưỡng các tuyến đường, phương tiện vận tải và kho tàng bến bãi, để bảo đảm có chi phí cạnh tranh thấp nhất, khắc phục các trở ngại về khoảng cách địa lý”.
Phương Nguyên