Theo Bộ LĐ-TB&XH, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tiếp. Như vậy, đây là dịp nghỉ lễ được dự báo nhu cầu đi du lịch của người dân sẽ tăng mạnh bởi dịch Covid-19 được coi là đã đi qua đỉnh, tỉ lệ người dân đã tiêm chủng ở mức cao. Cùng với đó, Việt Nam đã loại Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, bởi vậy tâm lý người dân cũng bớt e dè hơn trong việc đi du lịch.
Bạn Anh Tú, nhân viên văn phòng chia sẻ về kế hoạch du lịch trong kì nghỉ lễ sắp tới: “Mình và nhóm bạn có kế hoạch đi Quy Nhơn vào dịp 30/4 này, do bọn mình có kế hoạch từ sớm cũng như hoàn toàn là tự túc nên mình chủ động đặt vé máy bay và khách sạn từ tháng 2 nên giá rất rẻ, còn như bây giờ mình thấy vé máy bay đã tăng đến 5 lần so với hồi mình đặt”.
Khảo sát tại các trang web bán vé máy bay của Vietjetair.com cho thấy, giá vé máy bay đã tăng từ 35-40% so với trước đây. Hiện giá vé cho đường bay Hà Nội-Phú Quốc dao động từ 1,900,000-3,200,000 cho mỗi chiều ở hạng ghế phổ thông, ở chiều ngược lại, giá dao động từ khoảng 769,000-1,600,000 cho mỗi vé, tuy nhiên số lượng vé còn rất ít mặc dù còn 1 tháng nữa mới tới kỳ nghỉ lễ. Bởi vậy người tiêu dùng được khuyên nên lên kế hoạch cũng như đặt vé từ sớm, tránh tình trạng hết vé.
Kỳ nghỉ vàng 30/4 và 1/5 năm nay là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành triển khai các tour du lịch mới |
Anh Lê Hiếu, nhân viên bán tour tại một công ty du lịch, cho biết, thời gian gần đây lượng khách hỏi về tour nghỉ lễ 30/4, 1/5 tăng mạnh, những địa điểm được du khách quan tâm nhiều là những vùng biển như Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc, Đà Nẵng, thời gian đây khách đặt cọc tour khá nhiều, bởi vậy mà giá cả đang dao động theo từng ngày.
Đối với khách sạn, thị trường cũng nóng hơn bao giờ hết, tìm kiếm các phòng gần biển tại Phú Quốc, tại Booking.com, chuyên trang đặt khách sạn, nhà nghỉ cho khách quốc tế và nội địa, số lượng phòng trống không còn nhiều ở phân khúc khách sạn từ 3-4 sao, một số khách sạn thông báo đã kín phòng và không nhận thêm khách.
Các đại lý du lịch cho biết, do kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài cộng với việc các địa phương nới lỏng các hoạt động phòng dịch khiến nhu cầu đi lại của người dân tăng cao hơn, hành khách khi đặt tour trọn gói đối với nhóm khách từ 5 người trở lên và đặt cọc trước sẽ được hưởng ưu đãi từ 5-10%.
Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 65 lượt triệu khách du lịch, trong đó, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 150% so với năm 2021, tổng nguồn thu từ khách du lịch dự kiến đạt 400.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu là, phấn đấu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng thu từ khách du lịch đạt từ 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương từ 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân từ 11-12%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt từ 15 - 17%; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm…
Như vậy, cùng với những tín hiệu tích cực đến từ thị trường khách du lịch nội địa cũng như việc khôi phục lại hoạt động đón khách du lịch quốc tế, những mục tiêu đề ra đối với ngành du lịch là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được nếu các địa phương biết nắm bắt cơ hội, tận dụng các lợi thế sẵn có. Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn linh hoạt trong việc kích cầu cũng như thu hút khách du lịch để vực dậy ngành công nghiệp không khói này vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Huyền Như