Không những chịu sức ép cạnh tranh từ hàng giả, hàng nhập lậu đang ngày càng gia tăng, các DN bia - rượu - nước giải khát còn phải đối mặt với tình trạng các đối thủ "tung" ra đủ chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh.
DN bị tổn hại nghiêm trọng
Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), số lượng các sản phẩm bia, rượu bị làm giả và nhập lậu có xu hướng ngày càng tăng.
Dẫn chứng, năm 2013 tổng số sản phẩm bị thu giữ và xử lý là 48.104 lít rượu vi phạm nhập lậu, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa; 12.000 lít bia nhập lậu và làm giả. Đến năm 2014, số lượng thu giữ và xử lý vi phạm tăng mạnh: trong đó có 54.418 lít rượu vi phạm nhập lậu, vi phạm nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng, tem nhãn bao bì và khoảng 32.000 lít bia vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng, tem nhãn bao bì.
Trong đó, có nhiều vụ vi phạm kiểm tra và bắt giữ với số lượng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và uy tín của DN. Đơn cử như vụ việc Công an quận Tân Bình (Tp.HCM) thụ lý điều tra vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với 2.200 chai bia Sài Gòn Special thành phẩm. Có trường hợp các cơ sở sản xuất bia giả bằng cách lấy bia chai 450ml đổ vào nhãn hiệu Tiger nâu và Sài Gòn Special, với số lượng thu giữ là 860 chai bia Sài Gòn Special thành phẩm và 61 két vỏ cùng 1.220 vỏ chai bia Sài Gòn.
![]() |
Tân Hiệp Phát có nguy cơ phá sản vì cạnh tranh không lành mạnh
Công ty Nước giải khát Tân Hiệp Phát lại "đau đầu" với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Theo bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, cùng với việc mở cửa hội nhập sâu rộng, những thách thức cũng ngày càng nhiều. Bởi không chỉ đối mặt với việc cạnh tranh không lành mạnh từ các DN quốc tế, mà ngay tại thị trường Việt Nam, bà Phương cho biết các công ty nội địa cũng không ngần ngại dùng nhiều chiêu trò để sản xuất những sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng, phân phối xuống các tỉnh thành, các khu vực vùng sâu vùng xa.
Thực tế này không chỉ làm giảm đi uy tín của các thương hiệu lớn, mà còn làm ảnh hưởng tới sức khỏe NTD và gây tác động xấu lên môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Dẫn chứng thực tế, thời gian qua, hàng loạt các sản phẩm của Tân Hiệp Phát bị phát hiện có dị vật và bị "tố" là sản phẩm có vấn đề về chất lượng, gây hoang mang trong tâm lý của NTD và ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu sản phẩm. Theo sau đó, một số trang mạng không rõ nguồn gốc đã đưa tin xuyên tạc, các bình luận, đưa các hình ảnh của lãnh đạo DN cùng nhãn hiệu hàng hóa lên các trang mạng, kêu gọi NTD tẩy chay.
Bà Phương cho biết những hành vi này đã khiến cho uy tín và thương hiệu của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí DN có nguy cơ phá sản trong 2 - 3 năm tới, nếu như các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên tục tiếp diễn. Do đó, DN này đã phải gửi đơn "cầu cứu" lên cơ quan chức năng là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để có biện pháp ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh này.
Cần bảo vệ DN chân chính
Theo đánh giá của đại diện Sabeco, việc các đối thủ giở chiêu trò để cạnh tranh, để "tiêu diệt" nhau và giành giật thị trường trong ngành bia - rượu - nước giải khát đã ngày càng trở nên phổ biến. Lãnh đạo công ty này cho biết khá "đau đầu" khi liên tiếp phải xử lý những vụ việc NTD "tố" chất lượng sản phẩm. Đơn cử như trường hợp một cá nhân gửi ảnh chụp trong chai bia Sài Gòn có vật thể lạ và đòi DN bồi thường 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc trực tiếp thị phát hiện nắp chai bia bị lệch và kết luận đây là vụ việc cố tình bỏ vật thể lạ vào để "tống tiền" gây mất uy tín DN. Hoặc có trường hợp nhân viên tiếp thị của hãng bia đối thủ tại các quán có bán bia Sài Gòn tiến hành thử nghiệm bia Sài Gòn và bia của đối thủ và cho rằng, bia Sài Gòn bị ngọt. Tuy nhiên, khi điều tra thì phát hiện trên thành chai bia đã bị bôi thêm chanh để đánh lừa cảm giác người uống, khiến NTD không tin tưởng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), việc cạnh tranh trên thị trường là cần thiết, song với những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây đang "đe dọa" đến thương hiệu.
Do đó, Chủ tịch của VBA cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, có trách nhiệm tìm hiểu sự việc đúng hay sai để từ đó, định hướng dư luận với những thông tin chính thống. Tuy nhiên, trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì DN cũng cần bình tĩnh giải quyết và xử lý vụ việc, làm sao để đảm bảo quyền lợi NTD và tránh để bị đối thủ lợi dụng để "bôi xấu" thương hiệu.
Với vai trò là DN Thương hiệu Quốc gia, bà Phương cho rằng để đạt được các tiêu chuẩn trong sản xuất, phân phối, DN đã trải qua các đợt thanh kiểm tra, kiểm duyệt của cơ quan chức năng về quy trình sản xuất. Do đó, khi DN gặp những thông tin bất lợi của thị trường, do các đối thủ đưa ra cạnh tranh không lành mạnh, thì tiếng nói của cơ quan chức năng là rất cần thiết để bảo vệ DN chân chính.
Minh Ngọc