Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan vừa cho biết, thời gian qua, đồng Bath tiếp tục tăng giá so với đồng USD và chi phí sản xuất tăng đã khiến giá gạo Thái Lan neo ở mức cao, làm sức cạnh tranh suy giảm.
Thái Lan thay đổi chiến lược
Tại thời điểm đầu tháng 8/2020, mức giá FOB gạo trắng 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 460 USD/tấn, cao hơn 90 USD so với gạo đồng hạng của Ấn Độ.
Gạo Việt Nam phải nhanh chóng nâng cao chất lượng để cạnh tranh sòng phẳng với gạo Thái Lan (Ảnh: TL) |
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, giá gạo Thái Lan XK trong tháng 7 dao động trong khoảng 440 - 515 USD/tấn, cao hơn gạo Việt Nam (từ 415 - 457 USD/tấn) và Ấn Độ (từ 373 - 382 USD/tấn).
Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam cho biết, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc thay đổi chính sách ngành lúa gạo, trong đó tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu các giống gạo mới. Đây là nội dung trọng tâm của chiến lược sản xuất gạo giai đoạn 2020-2024 đã được Bộ Thương mại Thái Lan công bố vừa qua.
Nhóm các loại gạo sẽ được tập trung phát triển chia làm 3 phân khúc: phân khúc cao cấp (gạo hom mali, gạo hương); phân khúc đại trà (gạo trắng mềm, gạo trắng cứng, gạo đồ, gạo nếp và gạo đặc biệt) và phân khúc đặc biệt (gạo nếp và gạo đặc biệt).
Bộ Thương mại Thái Lan sẽ làm việc cùng Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo để tìm kiếm các đối tác mới nhằm mở rộng thị trường do gạo Thái Lan vẫn được nhiều đối tác quốc tế quan tâm bởi chất lượng. Trưởng đại diện các cơ quan Thương vụ của Thái Lan tại nước ngoài cũng được khuyến khích quảng bá, tìm kiếm thị trường tiềm năng.
Điều này chứng tỏ, Thái Lan đang có những chính sách để nâng cao chất lượng gạo, từ đó giữ vững "ngôi vương" của mình. Trong khi đó, quay trở lại ngành lúa gạo Việt Nam, năm 2020 được dự báo là năm khá thành công đối với các doanh nghiệp (DN) gạo, thậm chí gạo Việt Nam được đánh giá sẽ có cơ hội vượt Thái Lan trong năm nay.
Số liệu mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, khối lượng và giá trị XK gạo 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Gạo Việt vẫn chờ tăng tốc vào EU
Có thể thấy, XK gạo là "điểm sáng" trong bức tranh XK nông lâm thủy sản hiện nay. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 đang mở ra triển vọng XK gạo sang thị trường này. EU dành cho Việt Nam 80.000 tấn gạo miễn thuế/năm, gồm: 30.000 tấn gạo thơm, 30.000 tấn gạo xay xát và 20.000 tấn thóc; riêng với gạo tấm tự do hóa hoàn toàn. Đây là lợi thế của gạo Việt Nam mà gạo Thái Lan khó có được ở thị trường EU.
Theo dự tính của Bộ Công Thương, nếu tận dụng tốt EVFTA, trong nửa cuối năm 2020, Việt Nam có thể XK được 40.000 tấn gạo trong hạn ngạch và 100.000 tấn gạo tấm vào EU với thuế suất bằng 0%, cạnh tranh hơn gạo của Thái Lan và Campuchia.
Tuy vậy, thị trường EU rất khó tính. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, EU yêu cầu rất cao về chất lượng gạo và nguồn gốc xuất xứ. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất cấm sẽ khó nhập vào thị trường này. Để tiếp cận được thị trường EU, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận GlobalGAP và phải thay đổi trong canh tác, trồng trọt so với trước đây. Theo đó, nông dân phải hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để giữ chất lượng gạo và phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ cũng cho rằng, gạo Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh hơn gạo Thái Lan, điều đầu tiên là phải thay đổi cách sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp.
Nông dân phải liên kết với nhau trong HTX, HTX liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp xông xáo tìm thị trường cũng như phối hợp với Nhà nước để xây dựng thương hiệu, cho người tiêu dùng thế giới thấy gạo Việt Nam ngon không thua gạo Thái.
"Nếu nông dân còn làm ăn cá thể, cứ mạnh ai nấy làm, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ không bao giờ thắng Thái Lan, ngay cả khi chúng ta có lợi thế là tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do", ông Xuân nhấn mạnh.
Thy Lê