Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 (1-15/7), cả nước xuất khẩu 50.523 tấn xăng dầu các loại, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/7, lượng xăng dầu xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, kim ngạch 1,08 tỷ USD, tăng lần lượt 8,3% và 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở chiều ngược lại, từ đầu năm đến 15/7, cả nước nhập khẩu hơn 5,8 triệu tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch đạt 4,7 tỷ USD, tăng 3% về lượng và tăng 4,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.
Xét về thị trường, Campuchia là khách hàng lớn nhất của xăng dầu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với hơn 222 nghìn tấn, trị giá hơn 183 triệu USD, giảm 29% về lượng và giảm 31,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Thái Lan đang trở thành thị trường tăng nhập khẩu xăng dầu Việt Nam mạnh nhất trong nửa đầu năm. |
Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc với hơn 132 nghìn tấn xăng dầu, tương đương hơn 120 triệu USD, tăng 39% về lượng và tăng 33% về trị giá.
Trung Quốc là khách hàng lớn thứ 3 của xăng dầu Việt Nam khi chiếm hơn 10% tổng sản lượng xuất khẩu của nước ta. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất sang nước láng giềng hơn 116 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 108 triệu USD, tăng 36% về lượng và tăng 35% về trị giá so với 6 tháng năm 2023.
Đáng chú ý, Thái Lan đang trở thành thị trường tăng nhập khẩu xăng dầu Việt Nam mạnh nhất trong nửa đầu năm. Cụ thể, thị trường này đã nhập 6.741 tấn xăng dầu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, so với chỉ 402 tấn hồi cùng kỳ năm trước, tương ứng mức tăng 1.576% (gần 16 lần). Trị giá xuất khẩu đạt hơn 6 triệu USD, tăng 1.379% (gần 14 lần).
Mặc dù là thị trường chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất, tuy nhiên Thái Lan chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 1% tổng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường của Việt Nam.
Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn, cung ứng mỗi năm 10 - 13 triệu m3, tấn xăng, dầu thành phẩm các loại. Hai nhà máy này hiện cung ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng nhu cầu xăng, dầu trong nước, trong đó tỷ trọng cung ứng của Nghi Sơn khoảng 35%, có thời điểm lên tới 40%.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại.
Báo cáo của 2 nhà máy và Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.
Trên thị trường thế giới, xăng và dầu diesel liên tục được Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu kể từ cuối năm 2023. Song, Moscow đã cho dỡ bỏ biện pháp này vào tháng 11 cùng năm. Bộ Năng lượng Nga cho hay, trong 2 tháng áp dụng biện pháp tạm thời này, thị trường nội địa đã hình thành tình trạng dư thừa nhiên liệu và giá bán buôn xăng dầu trên sàn giao dịch đã giảm đáng kể.
Đến ngày 26/2 vừa qua, Nga tiếp tục phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3/2024. Những động thái cấm vận tạm thời của Nga có thể tác động tiêu cực đến thị trường thế giới giữa những lo lắng về nguồn cung, trong bối cảnh hoạt động lọc dầu của Mỹ sụt giảm và khó khăn trong vận chuyển nhiên liệu vì căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ.
Hồng Hương