Đánh giá về Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ngày 7/1 về việc thí điểm loại hình vận tải xe hợp đồng điện tử, các DN taxi truyền thống cho rằng sau 2 năm hoạt động nhưng vẫn còn rất nhiều quan điểm trái ngược về định danh (tên gọi) của loại hình này. Đây có thể coi là thất bại lớn nhất của chương trình thí điểm.
Cậy thế “cá lớn nuốt cá bé”
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng Bộ GTVT đang coi Uber, Grab là các công ty cung cấp dịch vụ phần mềm. Vì vậy trong suốt thời gian qua, Grab đã kê khai doanh thu là “phí sử dụng phần mềm kết nối”, không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Cùng với đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kể ra các đơn vị thí điểm vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật như dịch vụ GrabShare, mặc dù Bộ GTVT không cho phép nhưng Grab vẫn triển khai; Kế hoạch chỉ cho phép được thí điểm tại 5 thành phố, nhưng hiện nay, Grab đang hoạt động ở rất nhiều địa phương khác.
Hay Uber Việt Nam hoạt động tại Hà Nội từ năm 2014 nhưng đến ngày 5/4/2017, Bộ GTVT mới cho phép hoạt động, sử dụng phương tiện không có phù hiệu hoặc phù hiệu giả để kinh doanh, lái xe không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Không những thế, ông Hùng cho rằng Uber và Grab đang vi phạm các chỉ đạo của Thủ tướng như vi phạm về công tác quản lý thuế: Số lượng xe của Uber và Grab gấp 2,7 lần số lượng taxi của cả Hà Nội và Tp.HCM nhưng số nộp ngân sách chỉ bằng 1/5 số nộp của riêng Taxi Vinasun.
Uber, Grab đã liên tục đưa ra các chương trình cạnh tranh trái pháp luật, nhằm triệt tiêu taxi truyền thống, tiến tới độc quyền. Trong 3 năm (2014 – 2016), Grab đã lỗ đến 938 tỷ đồng và vẫn tiếp tục lỗ.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM, Quyết định số 24 đã để lại hậu quả đau lòng là việc hai “ông chủ” nước ngoài là Uber và Grab chỉ trong 2 năm đã có thể khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi của Việt Nam, đã và đang đẩy rất nhiều hãng taxi ở Việt Nam đi đến giải thể, phá sản.
“Không biết có phải do chính sách đã tạo ra hậu quả và hệ lụy này hay không”, ông Hỷ đặt vấn đề.
Đồng thời, ông Hỷ cho rằng từ khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, Uber và Grab đã tung nhiều chiêu trò theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm và thủ đoạn thương trường dồi dào, 2 hãng này đã làm rung chuyển thị trường taxi ở Việt Nam, làm đảo lộn mọi kế hoạch – quy hoạch vận tải của các địa phương, thường xuyên lấn át thị trường của taxi truyền thống.
![]() |
Các doanh nghiệp taxi truyền thống thay nhau “luận tội” Uber, Grab
Quản Uber, Grab như taxi?
Vì vậy, ông Hỷ kiến nghị Bộ GTVT cần sớm có sự điều chỉnh chính sách để ổn định tình hình này. Luật Cạnh tranh quy định một DN khi chiếm lĩnh trên 30% thị trường sẽ bị quy kết là kinh doanh độc quyền. Hiện tại, cả Uber và Grab đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi ở Việt Nam – liệu đã có thể coi là kinh doanh độc quyền?
Hiệp hội Taxi Tp.HCM đề nghị Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm dừng ngay việc cấp mới phù hiệu xe hợp đồng cho các phương tiện tham gia chương trình thí điểm để kiểm điểm, rút kinh nghiệm xử lý sai sót vì các địa phương không kiểm soát được số lượng phương tiện bùng nổ hiện nay.
Đề án thí điểm là của Bộ GTVT, các đơn vị tham gia thí điểm là do Bộ GTVT xem xét cấp phép, vì vậy chỉ có Bộ này mới có quyền ấn định số lượng xe thí điểm, ấn định phạm vi thí điểm, quy định việc dừng hoặc tiếp tục cấp phù hiệu xe hợp đồng.
“Một lần nữa, chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT nên coi hoạt động của 50.000 xe Uber và Grab là taxi để quản lý như taxi”, ông Hỷ nói.
Trong khi đó, đại diện cho Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các địa phương dừng ngay việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm; Bộ GTVT sửa đổi các quy định về việc niêm yết và quản lý chất lượng đối với loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ kinh doanh thí điểm. Ông Hùng đề nghị sửa đổi theo hướng: Phương tiện phải dán biểu trưng (logo) của đơn vị vận tải với kích thước tối thiểu 20cm x 30cm trên hai cánh cửa xe; trên nóc gắn hộp đèn có tên của đơn vị vận tải; các DN vận tải phải đăng ký với Sở GTVT nơi cấp phù hiệu để cấp, dán tem cho phương tiện tham gia thí điểm.
Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, Bộ GTVT cần xử phạt đối với các vi phạm của Uber, Grab. Trường hợp các DN này cố tình không tuân thủ luật pháp Việt Nam, đề nghị Bộ GTVT kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động để đảm bảo kỷ cương.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc taxi truyền thống khẳng định Uber, Grab được phép hoạt động khiến mình làm ăn thua lỗ là tư tưởng sai lầm, bởi sự lựa chọn cuối cùng là ở phía người tiêu dùng. Do vậy, để cạnh tranh, các hãng taxi truyền thống cần phải thay đổi để người tiêu dùng đón nhận mình hơn.
Thy Lê