Ts. Hoàng Mạnh Hùng - Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết sau 9 năm gia nhập WTO, nhiều ngành hàng nông sản đã chiếm lĩnh được thị phần lớn trên thế giới. Điển hình như gạo XK của Việt Nam chiếm gần 20% thị phần thế giới; cà phê gần 17%; hồ tiêu hơn 16%; cao su gần 10%; chè gần 7%; thủy sản hơn 6%; gỗ và các sản phẩm gỗ gần 3,3%...
Sức cạnh tranh còn yếu
Nếu như năm 2004, chúng ta chỉ có hai nông sản trong số 6 mặt hàng XK chủ lực có giá trị trên một tỷ USD, là thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, thì 1 năm sau khi gia nhập WTO (năm 2007) đã tăng lên 5 trong 9 mặt hàng XK chủ lực có giá trị XK trên một tỷ USD. Và năm 2014, có đến 10 trong số 12 mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị XK trên một tỷ USD.
Cơ cấu XK nông sản có thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các nông sản có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng giá trị nông sản XK ổn định: Nếu so sánh giữa tổng giá trị XK nông sản và tổng giá trị XK chung thì tỷ trọng của giá trị XK nông sản nước ta sau khi gia nhập WTO chiếm tỷ lệ ổn định, dao động từ khoảng 20 - 26% và đang có xu hướng giảm dần từ năm 2010.
Thị trường XK ngày càng mở rộng: Trước năm 2007 hàng hóa nông sản nước ta xuất đi khoảng 80 nước. Năm 2014, Việt Nam XK nông sản trên 160 nước trên thế giới. Danh sách các nước NK nông sản Việt Nam ngày càng mở rộng từ Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, châu Úc sang Nam Mỹ, châu Phi và Tây Á.
Tuy nhiên, cùng với những lợi thế có được khi hội nhập, nông sản nước ta còn nhiều thách thức bởi những hạn chế chưa được khắc phục. Ông Hoàng Trọng Thủy - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, nhận định có người nói rằng nông nghiệp Việt Nam đã ở tầm cơ mới, đang cất cánh bay, nhưng thực ra nông nghiệp nước ta cũng chỉ là cánh cò la đà bay trên những cánh đồng rộng mà thôi. Từ nền nông nghiệp đó, sức cạnh tranh của hàng nông sản XK của nước ta trên thị trường quốc tế kém. Xuất thô là nguyên nhân chính làm cho nông sản hàng hóa nước ta có sức cạnh tranh kém. Nông sản XK tập trung chủ yếu là các hàng hóa sơ chế như gạo, cao su, cà phê, thủy sản, hạtt tiêu, điều… vì thế mà hàng hóa Việt Nam chưa được người tiêu dùng chú trọng.
Sản xuất manh mún cũng là yếu tố khiến nông sản thiếu sức cạnh tranh. Theo Ts. Hoàng Mạnh Hùng, hơn 13 triệu hộ dân canh tác trên 75 triệu mảnh đất nông nghiệp với tổng diện tích là 8,4 triệu ha đất. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán năng suất thấp làm cho chi phí sản xuất tăng, chất lượng sản phẩm không đồng nhất, số lượng nông sản thu gom bị hạn chế thiếu hụt và không ổn dịnh, đây chính là nguyên nhân gây sức cạnh tranh kém trên thị trường.
Mặt khác hàm lượng KHCH thấp do việc đầu tư cho công nghệ thu hoạch, chế biến bảo quản còn rất hạn chế dẫn đến tỷ lệ mất mát, hư hỏng hàng hóa cao, hàng hóa không đồng nhất quy cách về chất lượng chưa bảo đảm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu tiêu dùng của các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU… làm cho tính cạnh tranh của nông sản hàng hóa kém, giá thấp.
![]() |
Hội nhập mang lại nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam
Lấy “độc đáo” làm trung tâm
Muốn nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới, cần tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, để định hướng cho DN tập trung đầu tư vào các ngành hàng này.
Ban hành chính sách, biện pháp nhằm tổ chức lại sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo hướng liên kết về lực lượng, tư liệu sản xuất để tạo điều kiện đưa KH-KT công nghệ mới, giống mới vào sản xuất, giảm các khâu trung gian trong việc cung ứng vật tư, thiết bị cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn các mặt hàng nông - lâm - thủy sản XK để nâng cao chất lượng hiệu quả XK và bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản XK của Việt Nam. Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích gắn kết phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và XK. Tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ cải tiển mẫu mã và đa dạng sản phẩm nâng cao chất lượng tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế hướng mạnh vào XK đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ông Hoàng Trọng Thủy gợi ý: nông nghiệp hội nhập cần có đặc tính một nền nông nghiệp “đa chức năng” thay cho nông nghiệp “đa dạng”, lấy sản phẩm độc đáo là “trung tâm” vì tự nó đã mở lối thị trường là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam khi nông sản Việt Nam không đủ sức cạnh tranh về KHCN. DN XK đóng vai trò là nhà đầu tư, ứng dụng KHCN, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng và đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản là thanh công cụ có hiệu năng trong hướng dẫn, giám sát, quy chuẩn VSATTP.
Đa dạng hóa thị trường XK nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh và khai thác tiềm năng tại các thị trường mới, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và phòng ngừa rủi ro về tỷ giá trong hoạt động XNK. Tổ chức lại hoạt động thông tin ngành hàng, xúc tiến thương mại của các hiệp hội ngành hàng. Đề cao vai trò liên kết giữa các hội viên, đại diện và bảo vệ lợi ích của các hội viên trong thương mại quốc tế.Thực hiện tốt liên kết 4 nhà, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thu Hường