Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, năm 2014, Việt Nam xếp vị trí thứ 5 trên thế giới về mức độ tiêu thụ mì ăn liền, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tính tới tháng 10/2015, thị trường Việt Nam có mức tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền là 315.448.523 gói, trong đó, sản phẩm của Aceccook Việt Nam chiếm 39,6%. Tuy nhiên, nhìn chung từ đầu năm 2015 đến nay và so sánh với những năm trước, mức tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền đang có xu hướng giảm.
![]() |
Mì gói luôn chiếm một tỷ lệ quan trong trong rổ hàng hóa tiêu dùng nhanh
Thị trường đã bão hòa
Mới đây, tại một cuộc hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường của ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam, ông Kagoshima Shigeto, Giám đốc khối Marketing - công ty Acecook Việt Nam, cho rằng việc tăng trưởng của mỳ ăn liền đang có nguy cơ giảm, vì thị trường Việt Nam có sự du nhập thêm của nhiều loại hình thức ăn nhanh của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới trong 2 năm gần đây.
Bên cạnh đó, việc báo chí đưa những thông tin tiêu cực về mì ăn liền về vấn đề gây hại, không tốt cho sức khỏe, chứa chất độc hại… khiến NTD bất an. Cụ thể, theo ông Kagoshima Shigeto, từ tháng 6/2015 trở lại đây, các trang báo điện tử không uy tín đã thường xuyên đăng tải, sao chép những thông tin chưa xác định được nguồn gốc, mức độ chính xác về mì ăn liền, như mì ăn liền là các sản phẩm thiếu dinh dưỡng, chứa chất độc hại là tác nhân gây ung thư… đã khiến cho NTD bất an, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng này.
Trước đó, trong dịp kỷ niệm 20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, tháng 7/2015, ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho biết tốc độ tăng trưởng cũng như lợi nhuận ngành mì ăn liền Việt Nam đang chững lại sau một thời gian phát triển nhanh chóng. Năm 2014, dự kiến tổng nhu cầu mì ăn liền Việt Nam là 5 tỷ gói, nhưng thực tế sức mua không đạt được con số đó.
Do vậy, theo kế hoạch đề ra, doanh thu cả năm của Acecook chỉ khoảng 3%, tương đương 2,8 tỷ gói mì (XK chiếm khoảng 8% trong đó).
Tuy nhiên, dù giới kinh doanh cho rằng thời hoàng kim của thị trường mì gói với mức tăng trưởng nóng trên 20%/năm đã qua và hiện chỉ dừng ở mức 3 - 5% nhưng không vì thế mà ngành mì ăn liền kém đi sự hấp dẫn.
Theo báo cáo do Kantar Worldpanel, mì gói luôn chiếm một tỷ lệ quan trong trong rổ hàng hóa tiêu dùng nhanh. Đây cũng chính là lý do các DN kinh doanh mì gói vẫn xem thị trường Việt Nam là “miền đất hứa”.
Giành giật nhau thị phần
Theo thống kê, mì ăn liền đang là ngành hàng lớn nhất hiện nay với khoảng 50 DN. Thị trường hiện do 3 “đại gia” Acecook Việt Nam, Massan và Asia Food thống lĩnh, với 80% thị phần. Nếu như Acecook Việt Nam, Asia Food tập trung phát triển sản phẩm ở phân khúc bình dân, Masan lại đang chiếm lĩnh ở phân khúc cao cấp.
Là DN dẫn đầu trong thị trường này, VinaAcecook hiện đang sở hữu các nhãn hàng mì ăn liền Hảo Hảo, Hảo 100, mì không chiên Mikochi, miến Phú Hương, phở Đệ Nhất… Công ty hiện đã xây dựng được hệ thống 10 nhà máy tại Việt Nam.
Nhưng xem ra, năm 2015 là năm chật vật của DN này. Cho rằng năm 2015, Acecook đang bị đối thủ cạnh tranh bằng những chiêu trò không lành mạnh, ông Kagoshima Shigeto, chia sẻ: “Năm qua là một năm đầy biến động với Acecook Việt Nam, khi những DN đối thủ liên tiếp uy hiếp thị phần của công ty bằng các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh”.
Theo thông tin từ VinaAcecook, thị phần của VinaAcecook đã rơi từ 40,4% vào tháng 1/2015 xuống còn 36,6% vào tháng 4/2015.
Riêng đối thủ Asia Foods với nhãn hàng mì ăn liền Hảo Hạng, VinaAcecook đã đưa công ty này ra tòa về tội vi phạm bản quyền thương hiệu mì gói tôm chua cay Hảo Hảo.
Mặc dù theo thống kê mới nhất, thị phần của VinaAcecook đã hồi phục ở mức 39,6%, tuy nhiên, mức tiêu thụ mì ăn liền của toàn thị trường Việt Nam đã giảm khoảng 10 triệu gói so với tháng 1/2015.
Trong khi Acecook đang lo giữ vị thế “ngôi vương” thống lĩnh thị trường, các DN còn lại cũng đang kỳ vọng đem về doanh thu lớn từ thị trường này. Đánh giá về sức hấp dẫn của mặt hàng mì gói, BCTC quý III/2015 của Masan, cho biết mì gói nằm trong nhóm đem lại lợi nhuận cao và tập đoàn này đang tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy để mở rộng thị phần.
Sau khi thành công với phân khúc cao cấp Omachi, Masan tiếp tục cho ra mắt sản phẩm thuộc phân khúc cấp thấp, là Kokomi và Sagami. Đây được xem là động thái cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu Hảo Hảo của Acecook Việt Nam. Bước đi của Masan đã dành thắng lợi khi thị phần Kokomi tăng trưởng gấp 8,7 lần chỉ trong 4 năm, từ 0,9% lên 7,8%.
Không chỉ những đại gia giành giật nhau “miếng bánh” này, mà các “tân binh” cũng đang có những kế hoạch gia nhập và mở rộng thị trường. Giữa tháng 5/2015, công ty CP Kinh Đô chính thức hợp tác liên doanh với công ty TNHH Saigon Ve Wong (Kinh Đô góp 49% vốn, Saigon Ve Wong góp 51%) để đầu tư xây nhà máy sản xuất mì ăn liền, gia vị, cháo, phở… tại KCN VSIP Bắc Ninh. Mục tiêu của Kinh Đô là lọt vào top 3 ngành thực phẩm thiết yếu.
Khi gia nhập thị trường, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kinh Đô, tự tin tuyên bố: “Mục tiêu của đại gia bánh kẹo đi làm mì tôm là đứng ở top 3 thị trường, với thị phần 10% trong vòng 3 năm tới. Bởi tham vọng của chúng tôi là dẫn đầu thị trường này”.
Thy Lê