Tại buổi họp báo chiều ngày 15/8, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo dự án sửa đổi 5 Luật thuế đang được đưa ra lấy ý kiến, TTĐB đối với một số ngành hàng hóa sẽ có nhiều điều chỉnh về mức thuế và cách tính thuế.
Thuế ô tô bán tải tăng lên 33%
Theo Bộ Tài chính, Luật thuế TTĐB hiện hành chưa quy định rõ thế nào là xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện và mức thuế suất TTĐB đối với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng hiện còn thấp.
Dự án sửa đổi lần này đề xuất tăng_mức thuế với dòng xe vừa chở người vừa chở hàng (xe pick-up hay xe bán tải). Theo đó, để đảm bảo đúng mục đích sử dụng xe, đại diện Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế TTĐB với xe vừa chở người vừa chở hàng bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xi-lanh.
Loại xe này chủ yếu có dung tích xi-lanh khoảng 2.000 – 3.000 cm3 nên nếu thuế suất của xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 55% thì mức thuế với xe bán tải là 33%.
Ông Thi cho rằng mức thuế đề xuất này dựa trên nhiều căn cứ, trong đó có nhu cầu tiêu thụ, sản xuất trong nước để đề xuất mức thuế suất hợp lý, tránh việc nhập khẩu ồ ạt vào nước ta. “Nếu xe bán tải được sử dụng làm phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng đến cả nền công nghiệp ô tô trong nước”, ông Thi nhấn mạnh.
Theo quy định hiện tại, mức thuế với dòng xe này đang dao động trong khoảng 15 – 25% tùy dung tích xi-lanh. Nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính, trong những năm qua, số lượng xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh. Nếu như năm 2012, lượng xe tiêu thụ chỉ gần 3.300 chiếc thì sang năm 2016, lượng xe tiêu thụ đã lên hơn 28.000 chiếc.
Đáng chú ý, trong số xe đã tiêu thụ, xe nhập khẩu chiếm phần lớn, còn xe lắp ráp trong nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ngoài ra, do loại xe này có mức thuế thấp hơn so với xe ô tô chở người có cùng số chỗ (xe SUV có thuế TTĐB với dòng có dung tích xi-lanh 2.500 – 3.000 cm3 lên tới 55%) nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang dùng xe bán tải.
![]() |
Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở mức hơn 48%. Tỷ lệ này ở Brunei là 81%, Thái Lan là 70%, Singapore là 69%, Malaysia là 57%… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ tuổi tiếp cận với thuốc lá ngày càng dễ dàng.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất việc áp thuế TTĐB với xe vừa chở người vừa chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1,5 tấn và có 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi.
Sau khi tính toán, để phù hợp với mặt bằng thuế chung của khu vực và thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế bằng 60% mức thuế xe con cùng dung tích xi-lanh.
Ngân sách sẽ thêm 4.000 tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao, theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận.
Trong khi đó, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên thế giới. Vì vậy, để giảm thiểu số người sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án.
Phương án một, áp thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo quy định, lộ trình thuế TTĐB với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%.
Theo phương án này, ngoài tỷ lệ thuế trên, cơ quan chức năng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.
Phương án hai là tăng thuế suất theo lộ trình. Theo đó, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%; từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.
Tuy nhiên, ông Thi cho biết, phương thức kết hợp thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối được nhiều nước phát triển (khoảng 48 nước). Do đó, đại diện ngành tài chính đề xuất quy định theo phương án một.
Thông tin với báo chí, ông Thi cho biết, Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ ở mức hơn 48%, thấp hơn nhiều các nước khác. Ví dụ, tỷ lệ này ở Brunei là 81%, Thái Lan là 70%, Singapore là 69%, Malaysia là 57%… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ tuổi tiếp cận với thuốc lá ngày càng dễ dàng.
Bộ Tài chính kỳ vọng, nội dung sửa đổi Luật thuế TTĐB đối với thuốc lá nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế và góp phần định hướng tiêu dùng.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, ngoài mức thuế suất tương đối 70% hiện nay tăng lên 75% vào năm 2019, đề nghị bổ sung mức tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà áp dụng từ ngày 01/01/2020.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 5 tỷ bao thuốc lá và tiêu thụ khoảng 4 tỷ bao. Vì vậy, ông Thi tính toán, nếu thu thêm mức tuyệt đối là 1.000 đồng/bao thì ngân sách đã có thêm khoảng 4.000 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, việc định mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá còn là vấn đề cần tính toán vì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất”, ông Thi nói.
Thanh Hoa