Sau khi ghi nhận mức tăng ‘kịch trần’ ngay từ thời điểm cuối tháng 11/2023, nhiều hãng máy bay đã có biện pháp tăng số máy bay, số chuyến,... để ‘hạ nhiệt’ giá vé và tạo điều kiện phục vụ cho người dân về quê ăn Tết.
Thêm hàng nghìn chỗ, giá vé máy bay vẫn đắt đỏ
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ thuê ướt (bao gồm phi hành đoàn) thêm 4 máy bay giai đoạn cao điểm Tết 2024. Hãng đã tăng thêm hơn 100.000 chỗ, tương đương gần 550 chuyến bay, nâng tổng số lên 2,1 triệu chỗ với 10.700 chuyến bay cho mùa cao điểm Tết.
Bamboo Airways cũng đã ký hợp đồng thuê bổ sung 2 máy bay Airbus A320/A321, tăng trên 20% tải cung ứng trong giai đoạn cao điểm, tập trung tăng tần suất khai thác trên các đường bay trục chính Hà Nội - TP.HCM, giữa Hà Nội, TP. HCM với Đà Nẵng và các đường bay địa phương có nhu cầu cao như TP.HCM - Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng.
Tổng số chuyến bay dịp Tết Nguyên đán đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng giá vé máy bay vẫn không ‘hạ nhiệt’. |
Đại diện Vietravel Airlines cho biết, các chặng bay nội địa trong dịp Tết sẽ tăng hơn 35% số ghế cung ứng so với lịch khai thác ngày thường, dự kiến cung ứng 132.000 chỗ.
Theo số liệu mới nhất của Cục Hàng không, tổng số chuyến bay dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến đạt xấp xỉ 33.800 chuyến, tăng 14% so với cùng kỳ tết năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ hiện tại. Trong đó, số chuyến bay nội địa dự kiến đạt 24.200 chuyến, tăng 2% so với cùng kỳ và 27% so với lịch bay nội địa bình thường đang khai thác.
Mặc dù số chuyến, số chỗ đã tăng tương đối so với cùng kỳ Tết Quý Mão nhưng theo khảo sát của VnBusiness tại một số trang đặt vé trực tuyến, vé máy bay trên các chặng đông khách vẫn liên tục ‘cháy hàng’ và giá vé không có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Đơn cử, vé khứ hồi của Hãng Vietravel Airlines chặng TP.HCM - Hà Nội chiều đi ngày 6/2, về 17/2 có giá từ hơn 6,5 đến hơn 7 triệu đồng tùy chuyến. Cùng chặng, cùng thời gian, vé của Vietjet "đồng giá" tất cả các chuyến gần 7 triệu đồng/khứ hồi. Bamboo Airways mới bổ sung hơn 10 chuyến bay, bay 2 chiều tốn hơn 7,5 triệu đồng. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thì chỉ còn số ít chuyến bay có giá vé hạng phổ thông hơn 7,3 triệu đồng/khứ hồi. Đa số các chuyến bay chặng Hà Nội - TP.HCM trong khoảng thời gian này hầu như đều đã hết chỗ, chỉ còn lại một số chuyến của Vietjet Air, chủ yếu bay vào khung giờ đêm muộn và sáng sớm từ khoảng 19h tối hôm trước - 5h sáng hôm sau.
Tương tự tại chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé khứ hồi ngày mùng 1 Tết (10/2/2024) về ngày mùng 5 Tết (14/2/2024) của VietJet Air là khoảng 3,6 triệu đồng; Bamboo Airways 3,8 triệu đồng và Vietnam Airlines 6,4 triệu đồng. Riêng Vietravel Airlines đã ghi nhận hết vé. Mức giá này ghi nhận tăng khoảng gấp đôi so với ngày thường và tăng thêm so với giá vé máy bay Tết được khảo sát trong thời điểm giữa tháng 12/2023 khoảng từ 300.000 - 1,1 triệu đồng.
Việc giá vé máy bay tăng cao đang khiến nhiều người dân phải đau đầu lo lắng, đắn đo cho hành trình về quê ăn Tết. Chị Lê Lan Phương (TP.HCM) cho biết: “Nếu cả nhà 4 người đến Tết bay ra Hà Nội thăm ông bà mà đi máy bay thì phải mất đến hơn 20 triệu đồng tiền vé”. Chị cho biết năm nay kinh tế khó khăn, thu nhập, thưởng Tết giảm nhiều nên gia đình đang phải rất cân nhắc cho chuyến về quê lần này và có thể sẽ phải lựa chọn di chuyển bằng phương tiện khác.
Trả lời những phản ánh về việc giá vé máy bay tăng cao và không ổn định, Bộ Giao thông Vận tải nhận định giá vé máy bay dịp Tết vốn tăng theo cơ chế thị trường, giai đoạn cao điểm cầu sẽ vượt cung, các hãng hàng không đều tăng tỷ lệ vé ở giá cao.
Tuy vậy, Bộ khẳng định, giá vé máy bay được điều hành linh hoạt, theo thị trường nhưng không được vượt giá trần do Bộ này quy định. Với dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ đã chỉ đạo đường sắt, đường bộ tăng năng lực vận tải để phục vụ người dân đi lại, giảm áp lực cho hàng không.
Người dân chuyển hướng lựa chọn đường sắt, đường bộ
Đối với nhu cầu di chuyển trong dịp Tết, phương tiện máy bay luôn được lựa chọn nhiều hơn các loại khác, song, với giá vé khá cao như hiện tại, nhiều khách hàng đang cân nhắc lựa chọn chuyển sang đi tàu hỏa hoặc xe khách, xe giường nằm để tiết kiệm chi phí.
Một số chuyên gia cũng dự báo sẽ có sự xê dịch lượng khách giữa các loại hình vận tải trong dịp Tết này. Đồng thời nhận định, việc chuyển dịch phương tiện di chuyển trong mùa Tết, không quá tập trung vào hàng không là một điều tốt. Không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân mà còn hạn chế bớt sự lệch pha, phát triển không đồng bộ ở các loại hình vận tải.
Được biết, hiện nay ngành đường sắt đã chuẩn bị kế hoạch, phương án chủ động phục vụ khách dịp nghỉ Tết Nguyên đán từ tháng 10/2023. Theo đó, ngành đường sắt dự kiến cung ứng khoảng hơn 200.000 chỗ, với 390 chuyến tàu phục vụ hành khách từ ngày 26/1 đến hết ngày 26/2/2024 (tức từ ngày 16 tháng Chạp đến ngày 17 tháng Giêng).
Ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty CP VTĐS Sài Gòn cho biết, căn cứ diễn biến của thị trường, sự tăng giá của nguyên vật liệu, ở chiều cao điểm giá vé tàu tết năm nay tăng 1-4% giá vé tuỳ từng chặng, loại tàu.
Theo khảo sát của VnBusiness, chặng có giá vé cao nhất trong thời điểm Tết là vé khứ hồi chặng TP.HCM đi Hà Nội, loại giường nằm điều hòa với giá khoảng 2,8 triệu đồng (chặng TP.HCM đi Hà Nội) và hầu như đã hết chỗ, vé ngồi ghế mềm chỉ còn lại một số ít và có giá khoảng 2,4 triệu đồng.
Về phía loại hình xe khách, xe giường nằm, đại diện các bến xe thuộc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội quản lý gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm cho biết sẽ tăng cường khoảng 2.500 xe để phục vụ lượng khách dự kiến tăng khoảng 200-300% so với ngày thường trong dịp Tết. Đơn vị này cũng cho biết, hiện chưa có nhà xe nào đăng ký tăng giá xe dịp Tết Nguyên đán. Tại miền Bắc, rất ít đơn vị vận tải tăng giá vé vào các dịp lễ do phải thực hiện nhiều thủ tục đăng ký phức tạp.
Tương tự tại khu vực TP. HCM, đại diện Bến xe Nước ngầm cũng thông tin hiện chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải nào đăng ký tăng giá vé xe dịp Tết Nguyên đán 2024. Bến xe này cũng đã có kế hoạch tăng gần 100 xe cho các tuyến tăng cao điểm, sẵn sàng phục vụ hành khách dịp cao điểm.
Bích Tâm