Chiều ngày 15/3, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Tổng kết một năm thực thi Hiệp định UKVFTA". Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch song phương Việt Nam - Vương quốc Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24%, cơ bản đã phục hồi được về mức kim ngạch năm 2019 sau một năm giảm sâu do tác động của dịch COVID-19.
Khách hàng Anh biết nhiều về nông sản Việt
Minh chứng rõ nhất là chỉ sau 1 năm Hiệp định có hiệu lực tạm thời (từ ngày 1/1/2021), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong năm 2021 đã đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm trước.
Khách hàng Anh biết nhiều hơn trái chanh leo từ Việt Nam. |
Đáng chú ý, hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là sắt thép (1.183%), cao su (82,3%), nông sản (70,8%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%), hạt tiêu (48%), phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%), gốm sứ (35,2%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá UKVFTA là đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Vương quốc Anh. Hiệp định này thực sự là "con đường cao tốc" hai chiều, thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn.
Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng dư địa để phát triển thương mại giữa hai quốc gia còn lớn, cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng. Và để biến tiềm năng thành lợi ích thực sự, cơ quan quản lý cần xác định, đánh giá được khó khăn, tồn tại.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cho biết rau quả Việt Nam đã từng bước được biết đến ở thị trường Anh, có thêm nhiều bạn hàng.
Nhiều khách hàng Anh đã quen với các sản phẩm chanh leo cô đặc, dứa cô đặc, xoài... của Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm chanh leo của Việt Nam cạnh tranh tốt với các nước Nam Mỹ, Đông Nam Á để giành thị phần tại Anh.
Ông Khuê nhấn mạnh, Việt Nam có vùng nguyên liệu rau quả rộng lớn, trải dài từ Bắc vào Nam như xoài Sơn La, vải Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, xoài Cát Chu... Đây sẽ là lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu vào Anh.
Nắm bắt cơ hội mới
Tuy nhiên, để gia tăng sản lượng xuất khẩu nông sản vào Anh, ông Khuê kiến nghị: Chính phủ cần chỉ đạo Bộ NN&PTNT tổ chức xây dựng các vùng trồng quy mô lớn, tập huấn bà con nông dân về kỹ thật trồng trọt, đảm bảo kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, củng cố vị trí, vai trò hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bộ Công Thương cần tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp tham dự các hội chợ lớn ở Anh, cũng như tại châu Âu.
Cùng chung nhận định là nhiều sản phẩm Việt Nam đang được đón nhận ở thị trường Anh, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Vụ châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết ngày càng nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam như phở ăn liền, bánh bao, rau quả lên kệ siêu thị trung và cao cấp của Anh. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, bà Ngọc cũng lưu ý tới việc thị trường Anh rất khó tính, thậm chí khó tính hơn cả EU, vì vậy xuất khẩu nông sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe. Liên quan tới một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam bị cảnh báo tồn dư ethylene oxide, các doanh nghiệp cần nắm vững quy định để tránh gặp phải tình trạng này.
Đặc biệt, căng thẳng và xung đột Nga - Ukraine có thể là cơ hội để nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh. Đơn cử, Ukraine cung ứng lúa mỳ cho Anh, khi xung đột xảy ra, Anh có thể chuyển hướng sang nhập nông sản từ một số thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để xuất khẩu gạo Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường Anh.
Tất nhiên, muốn tận dụng được cơ hội thì doanh nghiệp phải nắm vững quy định của Hiệp định UKVFTA. Qua nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho biết tỷ lệ doanh nghiệp hiểu cam kết của các hiệp định FTA nói chung chưa đầy 20%. Vì vậy, việc đầu tiên là doanh nghiệp mong chờ cơ quan có liên quan tăng cường thông tin về cam kết, cũng như cách thức tận dụng cơ hội.
Đơn cử như vấn đề xuất khẩu gạo sang EU nói chung, cũng như Anh nói riêng, theo bà Trang, không chỉ câu chuyện hạn ngạch bao nhiêu ngàn tấn để hưởng thuế quan ưu đãi, mà cơ chế cấp hạn ngạch có được thực hiện nhanh hay không. Làm sao các bộ ngành phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng không phải có hiệp định là có khách hàng, có thị trường, có lợi thế, mà muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì doanh nghiệp cần một quá trình lâu dài tìm hiểu nhu cầu mà thị trường cần.
Thy Lê