Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ các vấn đề sản xuất liên quan đến thời tiết xấu tại Brazil và Việt Nam - hai quốc gia cung cấp cà phê lớn nhất thế giới. Cùng với đó, các yếu tố như tích trữ, chi phí phòng ngừa rủi ro và biến đổi khí hậu đã đẩy giá cà phê lên mức đỉnh mới, gây ra nhiều hệ lụy cho cả người sản xuất, nhà giao dịch và người tiêu dùng.
Nguyên nhân đẩy giá cà phê lên cao
Thời tiết khắc nghiệt được xem là nguyên nhân chính làm giảm sản lượng cà phê toàn cầu trong ba năm qua. Brazil, quốc gia chiếm gần một nửa sản lượng cà phê arabica, đã trải qua một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Dù có mưa vào tháng 10/2024, độ ẩm đất vẫn ở mức thấp, khiến cây cà phê ra lá nhiều nhưng không đủ hoa để tạo quả.
Việt Nam, quốc gia chiếm gần 40% sản lượng cà phê robusta toàn cầu. |
Trong khi đó, tại Việt Nam - quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới - hạn hán nghiêm trọng vào đầu năm 2024 đã tiếp nối bằng những trận mưa lớn. Các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk - vùng trọng điểm trồng cà phê - chịu ảnh hưởng nặng nề. Hồ chứa nước cạn kiệt và rệp sáp trắng lây lan đã khiến nhiều cây cà phê không đạt năng suất. Ông Nguyễn Thế Huệ, một nông dân tại Gia Lai, chia sẻ: “Chúng tôi không có nước cho các trang trại của mình. Nếu hạn hán kéo dài, sản lượng sẽ giảm mạnh.” Nhưng đến tháng 10/2024, bão nhiệt đới Trami lại gây mưa lớn tại các tỉnh này, làm gián đoạn vụ thu hoạch cà phê.
Biến đổi khí hậu được coi là yếu tố cốt lõi gây ra tình trạng thời tiết bất thường tại các quốc gia sản xuất cà phê lớn như Việt Nam và Brazil. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, dự báo sản lượng thu hoạch của Đắk Lắk trong niên vụ 2024-2025 có thể giảm 15%, còn khoảng 442.000 tấn. Theo ông Minh, chỉ có khoảng 7% số hộ nông dân tại Đắk Lắk bắt đầu thu hoạch cà phê vào cuối tháng 10.
Công ty tư vấn StoneX, dự báo sản lượng cà phê robusta của Việt Nam có thể giảm 10% vào cuối năm 2025. Đối với Brazil, sản lượng arabica được dự đoán giảm 10,5%, chỉ còn 40 triệu bao.
Trong bối cảnh giá cà phê tăng cao, nhiều nông dân Việt Nam lựa chọn tích trữ cà phê để chờ giá tốt hơn. Theo ước tính của các thương nhân, khoảng 150.000-200.000 tấn cà phê đã bị giữ lại kể từ khi vụ thu hoạch bắt đầu vào tháng 10/2024. Con số này tương đương với 10-13% sản lượng thu hoạch của Việt Nam.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp, cho biết: “Chúng tôi không thể biết khi nào giá sẽ đạt đỉnh. Nông dân và người trung gian dự đoán giá cà phê có thể lên tới 150.000 đồng/kg, tăng từ mức đỉnh hiện nay là khoảng 130.000 đồng/kg.” Việc tích trữ này khiến các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc hoàn thành hợp đồng và phải nhập khẩu cà phê từ các quốc gia khác.
Chi phí phòng ngừa rủi ro trên sàn giao dịch đã tăng cao, gây áp lực tài chính lớn đối với các công ty giao dịch cà phê. Tại Brazil, các công ty như Atlantica và Cafebras đã phải tìm kiếm sự tái cấu trúc nợ dưới sự giám sát của tòa án do không thể đáp ứng được chi phí. Lo ngại không thể mua được cà phê thực tế, nhiều nhà giao dịch đã đóng các vị thế bán khống, làm giá cà phê tương lai tiếp tục tăng.
Người cười nụ, người khóc thầm
Mặc dù thời tiết khắc nghiệt và chi phí sản xuất tăng cao, giá cà phê cao giúp nông dân Việt Nam cải thiện thu nhập. Giá cà phê nội địa đã đạt mức cao kỷ lục 130.000 đồng/kg vào cuối năm 2024, và có thể tăng lên 150.000 đồng/kg trong năm 2025. Một số nông dân tại Tây Nguyên cho biết họ đã dựa vào nguồn thu từ các cây trồng khác như trái cây để duy trì chi phí sinh hoạt, cho phép họ giữ lại cà phê để chờ giá tốt hơn.
Hành động tích trữ khiến các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung, dẫn đến tình trạng vỡ nợ hợp đồng và buộc nhiều công ty phải nhập khẩu cà phê từ Brazil, Indonesia và Ấn Độ để duy trì hoạt động. Theo Tập đoàn Intimex, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 200.000 tấn hạt cà phê vào năm ngoái và xu hướng này tiếp tục trong năm 2024.
Ông Lê Đức Huy, Giám đốc điều hành Simexco Dak Lak, cho biết: “Thật kinh khủng và vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Các nhà xuất khẩu đã phải chịu lỗ do các khoản vỡ nợ nhưng vẫn cố gắng giao cà phê cho khách hàng toàn cầu.”
Giá cà phê tăng đặt áp lực lớn lên các nhà rang xay, đặc biệt là những công ty lớn như Nestle. Sự gia tăng chi phí đã khiến Nestle phải tăng giá sản phẩm, nhưng điều này lại làm giảm sức cạnh tranh khi người tiêu dùng chuyển sang các thương hiệu rẻ hơn. Các nhà rang xay có xu hướng mua cà phê trước nhiều tháng, nghĩa là giá tăng sẽ chỉ được phản ánh trong vòng 6-12 tháng tới.
Đối với người tiêu dùng, giá cà phê tăng không ảnh hưởng nhiều đến các sản phẩm tiêu dùng tại quán cà phê như Starbucks, nơi giá cà phê nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 1,4% giá bán lẻ. Tuy nhiên, những người mua cà phê đóng gói hoặc cà phê hòa tan sẽ phải đối mặt với chi phí tăng cao hơn.
Tuy nhiên, giá cà phê cao đang tạo động lực để các nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tưới tiêu và cải tiến giống cây trồng nhằm tăng năng suất.
Thùy Linh