Theo ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Sở KH&ĐT Tp.Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2016, số DN đăng ký thành lập mới trên địa bàn Tp.Hà Nội là 15.012 DN, với tổng số vốn đăng ký 130.612 tỷ đồng (bình quân vốn điều lệ/DN là 8,7 tỷ đồng).
Lũy kế hết 8/2016, Hà Nội có 200.550 DN mà chủ yếu là DNVVN (chiếm 97%). Tỷ lệ DN/người dân của Hà Nội là: 1/38, cao gấp 3,7 lần so với mức bình quân chung của cả nước, trong đó, DN nông nghiệp chiếm khoảng 12%, DN thương mại - dịch vụ và các ngành khác chiếm 86,8%.
Vướng về chính sách
Khởi sự DN có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển đất nước. Nó là động lực chính quyết định tăng trưởng KT-XH. Tuy nhiên, các văn bản trong Luật DN, Luật Đầu tư đang khiến các Startup gặp không ít khó khăn.
Theo Luật DN, hiện nay chỉ cho phép các cán bộ, viên chức được góp vốn thông qua những ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp của mình mà không cho cán bộ, viên chức trực tiếp thành lập DN. Điều này gây khó khăn và cản trở trong phát triển các Startup.
Tại hội thảo “Khởi sự DN Việt Nam - Bài học thực tiễn tại Israel”, diễn ra ngày 21/9, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hòa Bình - Giám đốc công ty Peacesoft, cho biết: “Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, Việt Nam đang trong thời kỳ điện tử hóa. Tuy nhiên, một số quy định của Nhà nước đã buộc các doanh nhân, DN phải bỏ Việt Nam, đi ra nước ngoài”.
![]() |
Các Startup đang gặp không ít khó khăn
Bên cạnh đó, quỹ đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm có vai trò cung cấp vốn cho các Starup lại chưa được công nhận chính thống trong hệ thống Luật Tài chính quốc gia. Hiện nay, chỉ có khoảng 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động cho đầu tư đổi mới sáng tạo (ĐMST), với mức đầu tư trăm triệu hoặc vài tỷ đồng tại Việt Nam, trong khi Israel có hàng nghìn quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho các Startup với mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD.
Cùng bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, cho biết: “Nhà nước cần huy động các ngân hàng thành lập những quỹ đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho các Startup. Tuy nhiên, đầu tư mạo hiểm tức là có tới 70% thua, 30% thắng, chính vì vậy, không nên đầu tư hoàn toàn mà phải xem xét kỹ lưỡng để huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân một cách hiệu quả. Hiện nay, chỉ có 38% DN sử dụng hiệu quả vốn nhàn rỗi trong nhân dân”.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nhân, những nhà nghiên cứu Startup có điều kiện quay trở lại làm việc và đầu tư tại Việt Nam sau khi du học, nghiên cứu ở nước ngoài. Hiện nay, rất nhiều doanh nhân đã “xuất ngoại” bởi môi trường kinh doanh không thuận lợi cho sự phát triển của Startup.
“Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong môi trường đầu tư Startup đầy rủi ro. Điều quan trọng là Nhà nước cần tạo ra những chính sách pháp luật gọi vốn thích hợp. Khi xây dựng chính sách, cần dựa trên kết quả thực tế sao cho các chính sách phải phù hợp với từng thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp”, ông Avi Luvtion - Giám đốc điều hành, Vụ châu Á -Thái Bình Dương, Uỷ Ban đổi mới Israel, đưa ra lời khuyên.
Toàn cầu hóa Startup
Tuy mang tính rủi ro cao, nhưng khi một Startup thành công sẽ giúp tăng việc làm cho người dân, giải quyết các vấn đề an sinh - xã hội và đặc biệt, giá trị của Startup đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, các DN nước ta lại không dám nhìn nhận mình là một thực thể của thế giới. Cách nghĩ, cách làm của các DN Việt chỉ hướng vào thị trường trong nước, thay vì vươn tầm ra thế giới.
“Các bạn thường quên đi sự cổ vũ sau một thành công nào đó. Cổ vũ một ý tưởng sẽ tạo động lực và cơ hội đưa ý tưởng đó vào thực tiễn. Đây không phải là chuyện tự tin hay không, mà là lối suy nghĩ của chính các bạn”, ông Avi Luvtion, đánh giá.
Muốn thành công, ngoài các yếu tố về vốn, chính sách, KH-KT… các DN phải chú ý đến vấn đề thương mại (hiệu quả kinh doanh), biến ý tưởng thành hiện thực, nếu không nó mãi chỉ là lý thuyết suông.
Khi nghiên cứu một Startup, chúng ta phải đặt nó vào xu thế toàn cầu hóa. Thái Lan, Singapore, Malaysia đều chú trọng đến vấn đề toàn cầu hóa nên họ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Trong khi đó, hầu hết các tổ chức cá nhân trên thế giới không thành lập quỹ tại Việt Nam, mà chỉ đặt văn phòng đại diện. Hiện, mới chỉ có một số quỹ đang trong quá trình thăm dò, tìm hiểu các mô hình khởi nghiệp ở Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu không thương mại các mô hình khởi nghiệp, không “xuất khẩu” chất xám, thì chẳng khác gì đầu tư chui. Các DN phải biết liên kết hiệu quả, tránh xảy ra tình trạng làm riêng lẻ thì tốt, nhưng khi liên kết lại thì không ra sao. Điều này vừa lãng phí, không hiệu quả.
“Chúng ta phải biết chấp nhận thất bại, khởi nghiệp là 50% thắng, 50% thua hoặc nguy cơ thua còn nhiều hơn, nhưng chúng ta phải dám đầu tư, vì dám chấp nhận rủi ro thì mới mang lại lợi ích”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khẳng định.
Như Yến