TMĐT đã có một năm tăng trưởng ấn tượng và sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021 và các năm tới. |
Theo chia sẻ của hai anh em Việt Anh- Trung Anh, năm 2020 có 2 lần vlog của 1977 gồm Vợ Nhặt và Chiếc lá cuối cùng được lên top 1 trending YouTube. Trong đó, tác phẩm Vợ Nhặt được bình chọn là 1 trong 10 video clip nổi bật nhất năm 2020.
Ở Việt Nam, nếu video trên YouTube đạt 10 triệu view thì chủ kênh sẽ có thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng và còn tùy thuộc vào người xem đang ở khu vực nào.
Mảnh đất màu mỡ
Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đã đưa thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đặc biệt, tại Hà Nội và TP.HCM, hoạt động TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm đến 70% tổng lượng giao dịch TMĐT của cả nước. Trong đó, sự gia tăng kinh doanh trên các kênh như Facebook, Google, YouTube... đang đem lại thu nhập khủng cho nhiều tổ chức, cá nhân.
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, TMĐT đã có một năm tăng trưởng ấn tượng và sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021 và các năm tới.
Sự bùng nổ của kinh doanh trên nền tảng TMĐT đã giúp nguồn thu thuế từ kênh này tăng trưởng mạnh. Đơn cử, năm 2020, số thu thuế từ TMĐT tại Cục Thuế TP. Hà Nội tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019. Đáng chú ý, có trường hợp đã sáng tạo ra nhiều phần mềm, được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải, đạt thu nhập lên tới 330 tỷ đồng, và đã nộp thuế 23,4 tỷ đồng.
Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) khẳng định, ngành thuế trong thời gian vừa qua đã đẩy mạnh việc truy thu những người kinh doanh trên hệ thống TMĐT, trong đó đặc biệt là Youtube, Google và Facebook..
Đáng lưu ý, thời gian qua số tiền thuế mà người dân kinh doanh qua TMĐT chủ động kê khai nộp nhiều hơn. Ngoài kinh doanh bán hàng online, hoạt động kinh doanh cho thuê nhà thông qua các ứng dụng điện tử cũng có đóng góp thuế khá lớn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trên thực tế, nguồn thu thuế hiện nay so với sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng kinh doanh TMĐT vẫn chưa phải là nhiều. Vẫn còn các cá nhân bán hàng online chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Cần quản lý chặt
Thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2020 Việt Nam có khoảng 15.000 kênh YouTube, nhưng chỉ 30% trong số đó kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Tại một số địa phương, nhiều trường hợp không kê khai, trốn thuế bị phát hiện. Điển hình như một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook bị Cục Thuế TP. HCM truy thu, xử phạt 9,1 tỷ đồng.
Cục Thuế TP.HCM cũng đã phối hợp với Cục Thuế Quảng Nam truy thu một cá nhân có doanh thu trên 20 tỷ đồng từ Google, nhưng chưa kê khai nộp thuế.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hàng loạt quy định mới về quản lý thuế được thực thi từ năm 2021 sẽ góp phần quan trọng chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế, đặc biệt với hoạt động TMĐT, nền tảng số.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định các lập trình viên kiếm tiền từ việc viết game online, các ứng dụng trên máy tính, điện thoại hay người đăng tải các clip lên YouTube, Facebook được trả tiền có nguồn thu từ 100 triệu đồng trở lên đều phải kê khai nộp thuế. Nếu trường hợp không kê khai, trốn thuế sẽ bị phạt từ 1 - 3 lần số thuế phải nộp.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho rằng ưu tiên hàng đầu của cơ quan này là sẽ tập trung tuyên truyền để người nộp thuế tự giác nộp thuế và tránh bị xử phạt vì không kê khai nộp thuế.
Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong năm 2021, với mục tiêu nâng cao công tác quản lý thuế, ngoài nhóm giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách đối với cá nhân người nộp thuế, cụ thể là thực hiện các hình thức thu nộp không dùng tiền mặt, Cục Thuế TP.Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chống xói mòn cơ sở thuế".
Còn tại TP Hồ Chí Minh, để quản lý và thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã rà soát 14.951 trang web, từ đó, xác định 1.092 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế.
Trong quá trình làm việc, đã có 56 cá nhân tự giác kê khai với số thuế khai bổ sung và tiền chậm nộp là 1,83 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã xử lý qua kiểm tra đối với 580 doanh nghiệp và cá nhân với tổng số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 18,5 tỷ đồng.
Thanh Hoa