Chiều ngày 1/6, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)”.
Đoàn công tác Ủy ban Xúc tiến Thương mại quốc tế cùng các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh. |
Sơn Đông là một tỉnh có vị trí vai trò quan trọng của Trung Quốc: GRDP xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 (101,62 triệu dân năm 2022).
Năm 2022, theo thống kê của phía Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Sơn Đông - Việt Nam đạt 93,25 tỷ NDT (~ 13,56 tỷ USD), chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN, tăng 35,1% so với năm 2021. Trong đó, nhập khẩu của Sơn Đông từ Việt Nam đạt 3,29 tỷ USD (chiếm 1,75% nhập khẩu của Sơn Đông từ thế giới và 7,22% nhập khẩu từ ASEAN).
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Sơn Đông sang Việt Nam năm 2022 đều tăng trưởng dương trên 2 con số: máy móc cơ khí và thiết bị điện đạt 2,8 tỷ USD; kim loại cơ bản 1,38 tỷ USD; hóa chất công nghiệp và các ngành liên quan đạt 1,23 tỷ USD; sản phẩm dệt may đạt 1,19 tỷ USD; nhựa và cao su đạt 976,36 triệu USD; vật liệu đá và thủy tinh đạt 564,13 triệu USD,...
Trong 3 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất nhập khẩu Sơn Đông – Việt Nam đạt 2,67 tỷ USD, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi, giữa tháng 5 vừa qua, ông có cơ hội dẫn đầu Đoàn đại biểu của Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp Việt Nam thăm và làm việc tại tỉnh Sơn Đông.
"Chuyến làm việc tại Sơn Đông đã để lại cho tôi và Đoàn công tác ấn tượng hết sức sâu sắc. Đoàn công tác đã tận mắt được chứng kiến một tỉnh Sơn Đông tươi đẹp, giàu mạnh, hiếu khách, được nghe giới thiệu về các thế mạnh vượt trội của tỉnh như dân số, kinh tế, tài nguyên, văn hóa. Tuy nhiên, tôi rất tiếc khi được biết kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Sơn Đông hiện vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm chưa tới 6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng, tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế và nhu cầu hợp tác thực tế của doanh nghiệp hai bên", ông Sơn cho biết.
Khoai lang tím Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. |
Theo đó, ông Tô Ngọc Sơn bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, Sơn Đông nói riêng hỗ trợ các doanh nghiệp nông, thủy sản của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, chuỗi cung ứng lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến đề nghị, phía Sơn Đông tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch, đặc biệt là các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào mà phía Trung Quốc vừa chính thức mở cửa cho các sản phẩm này trong năm 2022.
Về phía Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông và các địa phương của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông kết nối, giao thương và hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát huy tính bổ sung lẫn nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp của mỗi nước.
Lê Thúy