Giá cà phê tăng trở lại ở các vùng trồng. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 108.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 109.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 109.000 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua ở mức 109.500 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 109.400 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 109.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 108.900 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 109.000 đồng/kg.
Sau 2 ngày giảm sâu khiến giá cà phê mất hơn 20.000 đồng/kg, hiện giới đầu cơ quay lại mua mạnh giúp cà phê 2 sàn thế giới hồi phục. Thông tin giảm sản lượng ở Brazil cùng với mưa nhiều tại các vùng trồng cà phê tại Việt Nam ngay giữa mùa thu hoạch cũng giúp cà phê tăng giá.
Bên cạnh đó, thu hoạch cà phê trong nước đã vào chính vụ nhưng nông dân chưa đẩy mạnh bán ra thị trường khiến nguồn hàng chưa được dồi dào.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, Việt Nam đã thu hoạch khoảng 30% sản lượng nhưng chưa bán nhiều, vì đang trong quá trình sơ chế, phơi khô. Cùng với đó, tình hình thời tiết có nhiều thất thường, mưa nhiều làm gián đoạn quá trình phơi sấy, càng làm dấy lên lo ngại nguồn cung ra thị trường chậm trễ.
Tổng cục Hải quan công bố lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11/2024 của Việt Nam chỉ đạt 20.933 tấn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 3% so với cùng kỳ tháng trước.
Khối lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11/2024 thấp hơn cùng thời điểm tháng 10/2024, phản ánh tình trạng chậm trễ trong hoạt động xuất khẩu.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại sàn London giao tháng 1/2025 tăng 144 USD/tấn, ở mức 4.770 USD/tấn, giao tháng 3/2025 tăng 147 USD/tấn, ở mức 4.751 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2025 tăng 8,2 cent/lb, ở mức 303,7 cent/lb, giao tháng 5/2025 cent/lb, tăng 8,1 cent/lb, ở mức 301,75 cent/lb.
Theo các chuyên gia, cà phê đang phải chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển cao và những bất cập. Các nhà bán cà phê phải chi thêm 7 triệu real (tương đương 1,2 triệu USD) trong năm nay cho các khoản như phí lưu trữ bổ sung và phí cảng, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé). Chi phí vận chuyển giữa các nước sản xuất cà phê ở châu Á và thị trường tiêu dùng ở châu Âu cũng tăng, do cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong việc xuất khẩu cà phê Robusta từ Việt Nam cũng góp phần vào xu hướng tăng giá, trong khi nhu cầu cà phê đang tăng lên do mùa Đông ở Bắc bán cầu càng làm tăng giá.
NY