Cát nhân tạo là loại cát được nghiền từ các loại đá trong tự nhiên như đá vôi, đá ong, đá granite, cuội sỏi .. có modul hạt tương đương với cát tự nhiên.
Sản xuất cát nhân tạo còn nhiều hạn chế
Định hướng đến năm 2030 của Nhà nước là sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế tối thiểu 40% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy, tỷ lệ sử dụng cát nhân tạo vẫn rất ít. Một chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng thử kiểm tra những công trình giao thông sử dụng cát san lấp, cát cho xây dựng, các chủ đầu tư hay nhà thầu đều đang sử dụng cát sông. Nhiều chủ thầu cũng đưa ra nguyên nhân chậm tiến độ thi công là do thiếu cát sông.
Như 8 dự án cao tốc (gồm cả dự án cầu Mỹ Thuận 2) với chiều dài 463km ở Đồng bằng sông Cửu Long chậm tiến độ được đưa ra là do nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Cụ thể là lượng cát đổ về 2 nhánh sông chính của Đồng bằng sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu chỉ bằng khoảng 10% lượng khai thác. Trong khi một trong những phương án thay thế cát tự nhiên cho dự án này lại là dùng cát biển để đắp nền nhưng mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến đến cuối năm nay mới kết thúc khâu theo dõi, quan trắc.
Thực trạng trên cho thấy việc dùng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên vẫn còn rất ít và không hề dễ dàng chút nào. Đó là chưa kể đến ý thức về cát nhân tạo đối với người dân dường như chưa được hình thành. Và dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ước tính của Bộ Xây dựng, lượng cát nhân tạo được sản xuất từ 2020 đến 2030 trung bình chỉ khoảng 15-20 triệu tấn, chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chưa đến 2/3 nhu cầu tiêu thụ cát tự nhiên trên thị trường vật liệu xây dựng.
![]() |
Sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên là một trong những giải pháp cần thiết trong bối cảnh tốc độ xây dựng ngày càng cao. |
Điều này một phần là do năng lực sản xuất cát nhân tạo vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đi liền với đó là nhu cầu sử dụng cát nhân tạo trên thị trường vẫn chưa rõ nét. Là một trong hai đơn vị đi đầu trong đầu tư sản xuất cát nhân tạo tại Thừa Thiên Huế, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Xuân Long cho rằng dù cát nhân tạo đang được đánh giá là có nhiều ưu điểm, bảo đảm được các yếu tố trong xây dựng công trình nhưng thực tế năng lực tiêu thụ vẫn rất thấp. Hiện, công suất sản xuất cát nhân tạo của HTX là 251.000 m3/năm, nhưng lượng tiêu thụ chỉ khoảng 10.000-15.000 m3/năm.
Ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia dự án quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), cho biết hiện nay, việc tái chế, sản xuất cát nhân tạo ở Việt Nam còn nhiều hạn chế vì trữ lượng của những loại vật liệu dùng để sản xuất cát nhân tạo dù được thống kê nhưng mới chỉ chủ yếu ở dạng lý thuyết được thu thập từ báo cáo của các tỉnh, thành. Còn số liệu thực tế, đánh giá hiệu quả, chi phí của từng vật liệu sản xuất cát nhân tạo vẫn chưa cụ thể nên việc sản xuất như thế nào, định hướng, hỗ trợ ra sao vẫn chưa rõ ràng.
Cần có chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu thụ
Thực tế là hiện nay nhiều tỉnh, thành có tiềm năng lớn về nguyên liệu sản xuất cát nhân tạo nhưng cũng có những địa phương lại hạn chế nên việc phát triển cát nghiền chưa được rộng rãi. Chẳng hạn như tại hầu hết các tỉnh phía Bắc đều có nguồn nguyên liệu phục vụ đầu vào sản xuất cát nhân tạo, nhưng cũng có những địa phương không có thế mạnh này như Bắc Ninh. Đặc biệt là các thị trường lớn như Hà Nội, TP HCM, Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu lớn về xây dựng nhưng không có nguồn đá để sản xuất cát nghiền. Đó cũng là lý do mà cát nhân tạo tiêu thụ phập phù.
Tại Hà Nội, việc tiêu thụ cát nhân tạo được nhập chủ yếu từ Hà Nam, Hòa Bình. Nhưng khi thực hiện so sánh, một công trình tại Hà Nội nhưng sử dụng cát tự nhiên ngay tại Hà Nội, người bán cát chỉ cần hút cát lên là có sản phẩm vận chuyển đến công trình. Nhưng cũng công trình đó nếu sử dụng cát nhân tạo thì lại khác. Để sản xuất được cát nhân tạo, phải thu mua nguyên liệu từ nơi khác, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại mới sản xuất ra sản phẩm. Riêng công đoạn vận chuyển đã kéo giá thành sản phẩm cát nghiền đi lên, trong khi công tác quản lý giá cát vẫn bị buông lỏng.
Một doanh nghiệp cung cấp cát tại Hà Nội, cho biết khối lượng thể tích của cát nhân tạo lớn, nặng hơn cát tự nhiên nên khi vận tải được ít, việc cạnh tranh rất khó. Song song đó, việc quản lý, khai thác cát tự nhiên vẫn chưa thực sự chặt chẽ cũng khiến cát nhân tạo hẹp đầu ra.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết dù thế nào thì dùng cát tự nhiên cũng không đủ nên việc thay thế bằng cát nhân tạo là một hướng đi phù hợp. Tuy nhiên nếu không có giải pháp cụ thể thì 5-10 năm nữa, tình trạng thiếu cát vẫn xảy ra.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, cát nhân tạo do bị nghiền vỡ từ đá nên bề mặt và các cạnh rất sắc, không tròn như cát bình thường. Khi sử dụng trong xây dựng sẽ tốn xi măng hơn, đồng thời khối lượng của cát nhân tạo nặng hơn nên dễ bào mòn các đường ống dẫn, phải bơm áp lực cao hơn.
Chính vì vậy, để đảm bảo chất lượng và dần thay thế cát tự nhiên trong xây dựng thì một trong những điều quan trọng là cần phải có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, công nghệ nghiền hiện đại. Đối với nhiều doanh nghiệp, dây chuyền sản xuất lên tới hàng chục tỷ nên cần có chính sách khuyến khích mỗi chủ đầu tư mỏ đá có thêm dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, để giúp giảm sản lượng sử dụng cát tự nhiên đang có nguy cơ suy giảm. Và một khi cát tự nhiên còn được cấp phép khai thác, vận chuyển trái phép thì cát nhân tạo không thể có chỗ đứng trên thị trường.
Hiện, nhiều vùng không có thế mạnh về đá để làm cát nhân tạo nên cần tính toán đến các phương pháp sản xuất cát nhân tạo từ các nguyên liệu phù hợp. Chẳng hạn như ở Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn phế thải nông nghiệp, bao gồm tro trấu và tro bã mía lớn và đây cũng là nguồn nguyên liệu được đánh giá là tiềm năng để sản xuất cát nhân tạo.
Thống kê năm 2022, cả nước có khoảng 10,7 triệu tấn vỏ trấu, có khả năng cung cấp khoảng 2-2,7 triệu tấn tro trấu và tro từ bã mía là khoảng 36.000-72.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn phế thải này hiện vẫn chưa được tận dụng vào sản xuất nhân tạo một cách phù hợp, nên chưa giải quyết được bài toán thiếu cát hiện nay.
Tùng Lâm