Theo các chuyên gia, với tỷ lệ tiêm vắc xin tăng cao, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra chính sách thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát. Vì vậy, việc Việt Nam "mở cửa bầu trời" cùng với việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục lượng khách quốc tế, hồi phục kinh tế...
Hãng hàng không đã sẵn sàng
Bộ GTVT đã công bố mở bay thương mại định kỳ với tất cả các nước như trước khi có dịch Covid-19 và Cục Hàng không đang khẩn trương đàm phán với nhà chức trách hàng không các nước. “Tại thời điểm này, ngành hàng không đã sẵn sàng mọi mặt để khai thác toàn mạng bay quốc tế. Tần suất các đường bay sẽ được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói.
Các hãng hàng không đã sẵn sàng đón khách quốc tế đến Việt Nam. |
Ngay sau thông tin chính thức tháo bỏ mọi rào cản đối với hàng không quốc tế, các hãng hàng không đã rục rịch triển khai loạt kế hoạch tăng tần suất, kết nối lại nhiều mạng bay sau 2 năm gián đoạn.
Trao đổi với VnBusiness, đại diện một hãng bay cho biết, bộ phận thương mại họp liên tục để lên kế hoạch khai thác bay quốc tế trong thời gian tới. Nếu bay ngay sau ngày 15/2 vẫn chưa hiệu quả, các hãng cần thời gian lên chương trình kích cầu, thăm dò nhu cầu thị trường, lượng khách đi lại rồi mở bán vé. Chưa kể, hãng bay muốn bay nhưng vẫn phụ thuộc vào độ mở cửa của từng quốc gia.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông thương hiệu của Vietnam Airlines cho biết, việc Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường là tiền đề thuận lợi để các hãng hàng không khôi phục, mở rộng mạng bay quốc tế, chuẩn bị đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Tương tự, Bamboo Airways cũng đã lên kế hoạch mở “hết nấc” gần 40 đường bay quốc tế đến các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam. “Bamboo Airways đã chuẩn bị kế hoạch, nguồn lực để khai thác đến các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam từ rất sớm, dài hạn, bài bản, kỹ lưỡng. Đây cũng là tiến trình cần thiết đáp ứng nhu cầu tất yếu của thị trường, trong bối cảnh các điều kiện đều đã chín muồi”, Phó Tổng Giám đốc thường trực Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho biết.
Ngay sau khi nhiều đường bay quốc tế được nối lại, một số doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu mở bán tour outbound (đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài) sau 2 năm phải "đóng băng" vì dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các hãng hàng không nhận định, trước mắt, khách nhập cảnh vào Việt Nam vẫn sẽ tập trung chủ yếu là khách Việt hồi hương, khách công vụ, chuyên gia và khách du lịch. Vì vậy, trong thời gian này các hãng hàng không khai thác các thị trường trọng điểm và nâng tần suất theo nhu cầu của khách. Cùng với đó, chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng về nhân lực cho khôi phục bay quốc tế.
Vẫn lo vắng khách?
Tuy nhiên vẫn có những khó khăn trong việc mở cửa quốc tế theo các hãng hàng không cần sớm giải quyết mới có thể thông thoáng trong lộ trình chào đón khách đến Việt Nam.
Ông Tuấn băn khoăn, việc tăng tần suất khai thác quốc tế được hay không phải phụ thuộc vào nhu cầu khách. Ông dẫn chứng, từ tháng 1 tới nay, hầu hết các đường bay quốc tế thường lệ đã được nối lại như thời điểm trước dịch, nhưng từ ngày 17/1-7/2, Vietnam Airlines khai thác 192 chuyến bay chở khách quốc tế thường lệ, cung ứng hơn 47.000 ghế, nhưng chỉ bán được hơn 21.600 vé (bình quân mỗi chuyến chỉ bán được hơn 50% số vé).
Mặc dù Chính phủ đã đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 và dự kiến dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương. Đồng thời, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, nói với VnBusiness, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành băn khoăn quy định về vấn đề về hộ chiếu vắc xin cũng phải được đàm phán với các quốc gia để tạo thuận lợi cho người dân thuận lợi di chuyển giữa các nước. Nếu không, như Singapore hiện nay, công dân Việt Nam đến nước này sẽ bị cách ly.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, kiến nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng cần trao đổi song phương với các thị trường về việc kiểm soát dịch bệnh cho khách du lịch, cụ thể là khi quay về không bị cách ly. “Như Hàn Quốc, Nhật Bản…, khách du lịch về lại nước vẫn phải cách ly. Chúng ta sẵn sàng đón và không cách ly, nhưng nước họ chưa sẵn sàng thì cũng rất khó”, ông nói.
Một vấn đề nữa khiến các doanh nghiệp lo ngại là theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trước khi lên tàu bay, khách sẽ phải xuất trình cho nhân viên sân bay nơi cư trú ở đâu.
Trong khi đó, câu chuyện cách ly ở đâu đang gây nhiều băn khoăn, bởi việc có được giấy xác nhận đủ điều kiện cách ly tại nhà của UBND cấp xã/phường là hết sức khó khăn. Nếu gia đình không đủ điều kiện để cách ly tại nhà thì khách sạn, nhà nghỉ nào sẽ trở thành nơi cách ly cũng không hề đơn giản.
Thanh Hoa